Ra chợ mua rau, bà đau lòng nghe người ta đàm tiếu Văn Hiệp có bà vợ 'khốn nạn', đi biệt xứ để chồng ở trong căn nhà chỉ có 8m2.
Bà Kim Dung lật giở từng cuốn album ảnh với dòng nhật ký viết cho Văn Hiệp trong những năm bà đi học ở Đức.
Đến nhà nghệ sĩ Văn Hiệp sau 2 tuần ông từ giã cõi đời, căn nhà im lìm giữa trưa nắng và thoảng mùi nhang từ ban thờ đặt ở tầng 2. Bà Kim Dung, vợ “ông trưởng thôn” gương mặt u buồn ra đón phóng viên. Khi dẫn chúng tôi đến trước gian thờ của chồng, mắt bà ngấn lệ khi nhìn bức ảnh ông đang cười. Bà bảo, bà vẫn chưa quen với chuyện thiếu vắng bóng dáng chồng trong căn nhà 4 tầng ở phố Hoàng Mai (Hà Nội) mà hai vợ chồng đã mua từ 10 năm trước. Bây giờ, mỗi sáng thức giấc, sau khi thắp cho Văn Hiệp nén nhang, bà vẫn giữ thói quen, pha một tách cà phê đặt lên ban thờ. Riêng bà thì ngồi ở cạnh, ngước nhìn bức ảnh thờ của ông rồi suy tư thương nhớ. Bà không biết, cảm giác hụt hẫng của sự mất mát đến bao giờ mới hết, chỉ mong thời gian trôi qua, nỗi đau sẽ nguôi dần.
Ban thờ của "ông trưởng thôn" được đặt ở tầng 2 trong căn nhà 4 tầng, nơi ông từng sống với vợ chồng con trai cả.
Đau lòng khi người đời nói sai về Văn Hiệp
Từ ngày về nước chịu tang chồng, bà Kim Dung sống trong những ngày tủi thân trước nhiều điều tiếng từ dư luận vì bà nhập quốc tịch Đức và sống mấy chục năm xa chồng con. “Anh Hiệp không chỉ là chồng, là bạn, là anh mà còn là người tôi hâm mộ, vì thế, dù ai có nói xấu về tôi cũng không sao, nhưng nếu họ nói xấu về anh ấy thì tôi không thể chịu đựng nổi. Người ta bảo tôi là bà vợ thế nọ, thía kia, tôi chấp nhận, không cãi, không thanh minh dù đó là điều hoàn toàn sai sự thật. Là một người vợ, tôi đã chung thủy với chồng. Tôi không cần ai hiểu hay thông cảm, chỉ cần chồng, con cái và họ hàng của tôi biết là đủ”, bà nghẹn ngào.
Vài ngày trước, bà đi chợ thì nghe người ta đàm tiếu rằng Văn Hiệp có bà vợ “khốn nạn”, đi biệt xứ để chồng ở trong căn nhà chỉ có 8m2, thiếu thốn đủ thứ. Bà nuốt nước mắt: “Khi đó, cô bán hàng rau đã quát to rằng họ nói láo và chỉ tay về phía tôi đang đứng ở gần đó. Họ nhìn rồi ngượng quay đi, còn tôi chỉ cười cho qua chuyện. Họ là người ngoài, họ có quyền nói, tôi nghe vậy thôi, nhưng tôi chỉ thương chồng, bởi ông ấy nằm xuống mà vẫn có người đặt điều không tốt".
Rồi bà cố giữ cho giọng mình bình tĩnh khi nhắc đến bài báo mà đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ về cuộc sống khốn khổ của Văn Hiệp lúc còn sống. Bài báo có đoạn đạo diễn Khải Hưng tâm sự: "Có lần đi nước ngoài với anh Văn Hiệp, anh ấy đã rút đến đồng xu cuối cùng để đưa cho vợ cho con, đến mức anh ấy không còn có đủ tiền để mà về nữa. Chúng tôi cũng đùm bọc để anh ấy có thể về được, vì anh là một người cha, một người chồng mẫu mực”.
Bà Kim Dung lắc đầu bởi bà cảm thấy đau lòng trước những câu nói từ đồng nghiệp của chồng. Bà kể, đó là năm 2004 khi Văn Hiệp cùng đoàn nghệ sĩ, trong đó có đạo diễn Khải Hưng sang châu Âu biểu diễn. Lúc ấy, đoàn gặp vấn đề về giấy tờ ở biên giới Đức - Ba Lan nên đã gọi điện nhờ bà giúp. Bà bỏ công bỏ việc đến sân bay chở đoàn tới khách sạn và đưa chồng về căn hộ bà thuê để nghỉ ngơi. Trong suốt thời gian đoàn Việt Nam ở Đức, bà nghỉ việc đi theo chồng. "Tôi nhớ hôm đó đoàn xuống diễn ở một hội chợ, khán giả người Việt vì hâm mộ Văn Hiệp mà bắt cóc ông ấy nhốt vào kho quần áo. Sắp đến giờ diễn, cả đoàn chạy bổ đi tìm mà không thấy. Chỉ đến khi thông báo trên loa, người ta mới thả Văn Hiệp ra để ông ấy lên sân khấu", bà thoáng cười nhắc lại kỷ niệm xưa. Những ngày tháng đó dù ngắn ngủi nhưng vô cùng hạnh phúc với hai vợ chồng bởi mỗi năm, cả hai chỉ gặp nhau có đôi ba lần. Trước khi chia tay chồng sang Pháp chơi vài ngày cùng đoàn nghệ sĩ, bà còn mua đồ, đưa ông ra tận sân bay.
"Tôi chưa bao giờ lợi dụng chồng mình để bòn rút những đồng tiền cuối cùng của ông ấy như lời đạo diễn Khải Hưng nói. Đọc những dòng chữ của Khải Hưng trên mặt báo, tim tôi quặn thắt. Tại sao Khải Hưng lại có thể nói sai sự thật như vậy? Trong chuyến sang Đức, tôi cũng gặp và nói chuyện cùng Khải Hưng. Nếu Khải Hưng nói xấu điều gì về tôi, tôi sẽ im lặng nhưng tôi rất bức xúc khi Khải Hưng nói sai về chồng tôi. Tôi không muốn linh hồn Văn Hiệp phải buồn vì những câu nói tổn thương của bạn bè".
Câu chuyện đạo diễn Quốc Trọng tiết lộ Văn Hiệp nhịn ăn trưa để tiết kiệm khẩu phần ăn trong một buổi quay phim hồi năm 1995 theo bà Kim Dung cũng không hề xác thực. Bà bảo, chồng bà vốn bị đau dạ dày nên hết giờ quay, ông lại tìm vào một chỗ nằm nghỉ và không tiếp xúc với bất cứ ai, "Năm nào về nước tôi cũng theo ông ấy đi quay phim, thói quen gì của ông ấy tôi nắm rõ. Tôi không hiểu lý do gì đạo diễn Quốc Trọng lại kể sai".
Sau khi bài báo Văn Hiệp từng rút đến xu cuối cùng đưa cho vợ con đăng tải, anh Thắng, con trai cố nghệ sĩ tức giận định gọi điện cho đạo diễn Khải Hưng nhưng bà Kim Dung ngăn lại. Bà nói với con rằng, nếu phải gọi điện thì bà là người gọi. Nhưng cuối cùng bà đã không làm. Bà tâm niệm, còn sống ngày nào, bà nguyện sẽ làm tất cả để không làm xấu hình ảnh của chồng.
Lo cho chồng từ chiếc quần lót đến áo may ô
Trong mấy chục năm làm vợ nghệ sĩ Văn Hiệp, bà Kim Dung chưa một lần nào hỏi chồng, ông từng yêu bao nhiêu người con gái trước khi lấy bà. Riêng bà, Văn Hiệp là mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất trong cuộc đời. Hồi còn sống, Văn Hiệp lúc nào cũng gọi bà là "em", xưng "anh". Chưa một lần nào bà nghe ông gọi "cô" xưng "tôi" cả. Tình yêu của hai người rất sâu đậm dù cả hai sống cách xa nhau nửa vòng trái đất suốt hơn 20 năm trời. Bà trầm ngầm: "Người ta nói vợ chồng tôi ly thân, ừ, thì đúng là ly thân vì tôi nhập quốc tịch Đức, không thể về sống ở Việt Nam. Thế nhưng, tình yêu của tôi và anh Hiệp thì mãi như vậy, không bao giờ có chuyện chúng tôi bỏ nhau. Bình thường, cả hai vẫn nói chuyện điện thoại một tuần một lần, có hôm còn nhìn nhau qua Internet. Với Văn Hiệp, tôi không chê trách bất cứ điều gì. Dù anh ấy có phũ phàng với tôi thì tôi vẫn tôn trọng và yêu anh ấy. Nhưng mấy chục năm qua, Văn Hiệp chưa làm điều gì phũ phàng với tôi cả. Tôi đã hy sinh tất cả cho chồng con nên tôi không ân hận, chỉ duy có điều, lúc anh Hiệp ra đi, tôi không có mặt. Ngẫm ra, lúc còn sống, anh Hiệp còn sướng hơn tôi bởi anh ấy có con cái ở bên làm nguồn động viên. Tôi thì chỉ có một thân một mình ở Đức biết bao năm".
Bà Kim Dung vẫn nhớ, năm 16 tuổi, bà từ miền Trung ra Bắc học đàn do chị dâu Văn Hiệp dạy. Cả hai quen nhau từ lớp học này và Văn Hiệp nhận bà làm "em nuôi". Năm 18 tuổi, khi sang Đức học Thiếu sinh quân bà mới nhận ra mình yêu Văn Hiệp và chủ động viết thư về cho bố bảo phải lên nhà Văn Hiệp để nói chuyện. Suốt 10 năm trời, cả hai "hẹn hò" qua những lá thư mà đến bây giờ bà vẫn còn lưu giữ. Trong cuốn album ảnh thời học ở Đức đã ngả màu ố vàng, bà vẫn còn giữ rất nhiều trang lưu bút, trong đó bà viết những lời đầy yêu thương dành cho Văn Hiệp: "Mấy mùa hoa rồi anh nhỉ? Còn mấy mùa hoa nữa thì Kim Dung em mới về cùng ba má, hai em và anh nhỉ? Mới hôm nào đó mà chúng ta còn là một đứa trẻ thơ mà hôm nay lại là một người lớn của đất nước rồi. Qua một sinh nhật nữa, Kim Dung em gửi tới anh những tình thương xa cách..."
Năm 28 tuổi, bà về nước và làm đám cưới với Văn Hiệp rồi sinh con là anh Thắng và chị Vân. Lúc bấy giờ, bà làm phiên dịch ở nhà máy điện thông. Nhà máy có dự án đi nước ngoài làm việc. Cuộc sống của vợ chồng với hai đứa con khi đó nghèo quá nên Văn Hiệp đã đồng ý cho bà sang Đức. Từ đó, mỗi tháng, bà đều gửi tiền và một thùng đồ cho chồng và hai con. Cuối năm 1989, bà đoàn tụ gia đình với khoản bồi thường là 3.000 đôla và số tiền bà tiết kiệm đi làm thêm là 10.000 đôla. Với số tiền dành dụm được cùng khoản tiền bố mẹ cho, hai vợ chồng đã mua căn nhà ở phố Trương Định (Hà Nội) để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, sau khi sắm sửa đồ đạc, những đồng tiền dư dả cứ nối gót nhau ra đi. hai vợ chồng nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Nghệ sĩ Văn Hiệp làm diễn viên đoàn kịch, đồng lương ba cọc, ba đồng không đủ sống.
Trong hoàn cảnh túng bấn ấy, Văn Hiệp bàn bạc để bà Kim Dung tiếp tục trở lại Đức xuất khẩu lao động vì bà giỏi ngoại ngữ. Vậy là về nước chưa được một năm, bà phải xa chồng con để bôn ba ở xứ người. Tuy nhiên, lần này, bà bị người ta lừa nên phải vào trại tị nạn. Năm 1993, bà chấp nhận tị nạn, nhập quốc tịch Đức và đi làm đủ mọi nghề để có tiền nuôi chồng con.
Bà kể: "Lúc chưa có việc làm, tôi phải ra cánh đồng hái dưa chuột cho người ta. Suốt một năm trời, tôi bò lê ra cánh đồng làm thuê. Lúc tiết kiệm được 1.000 đôla gửi về, anh Hiệp còn hỏi tôi lấy tiền ở đâu. Anh ấy tưởng tôi sang đó làm gái, nhưng sự thật, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của tôi". Quãng thời gian vất vả đó rồi cũng qua bởi với vốn ngoại ngữ, bà xin được công việc tại một trường Đại học ở Berlin. Hàng ngày, ngoài 8 giờ làm việc ở cơ quan, bà vẫn đi làm thêm, kể cả việc rửa chén bát hay đi cọ toilet cho người khác. Cứ ai thuê là bà làm chỉ vì mục đích có nhiều tiền.
Tại Đức, bà Kim Dung thuê một căn hộ 50m2 để sống. Bà tiết kiệm chi tiêu và không dám mua nhiều đồ đạc cho bản thân. "Tôi sắm sửa cho chồng từ chiếc quần lót đến áo may ô. Tôi còn mua cho Văn Hiệp chiếc xe máy phân khối lớn đầu tiên ở Hà Nội để đi lại... cho oai. Bây giờ tôi vẫn dùng chiếc điện thoại rẻ tiền, trong khi cả chồng và con đều dùng Iphone. Cách đây hơn một năm, tôi đã gửi về cho chồng Iphone 4, tính đến tháng 5 này cũng sắp được 2 năm rồi. Năm ngoái, khi vẫn khỏe mạnh, ông ấy còn điện thoại sang Đức nói tôi mua Iphone 5 để ông chơi cờ vì ông nghe nói điện thoại đời mới này sắp ra đời. Tôi đã mua cho Văn Hiệp chiếc Ipad. Giờ đây, người thì đã ra đi, còn Ipad được con trai giữ, trong đó có rất nhiều bức ảnh tình cảm của hai vợ chồng trong những chuyến du lịch gần đây".
Lời yêu thương bà Kim Dung gửi cho Văn Hiệp: "Mấy mùa hoa rồi anh nhỉ? Còn mấy mùa hoa nữa thì Kim Dung em mới về cùng ba má, hai em và anh nhỉ? Mới hôm nào đó mà chúng ta còn là một đứa trẻ thơ mà hôm nay lại là một người lớn của đất nước rồi. Qua một sinh nhật nữa, Kim Dung em gửi tới anh những tình thương xa cách..."
Mơ thấy Văn Hiệp cười nhăn nhở
Đã nghỉ hưu từ tháng 5/2012, bà Kim Dung dự định làm giấy tờ xin hồi hương để về Việt Nam sống những ngày tháng tuổi già bên chồng con và các cháu. Thế nhưng, khi bà chưa kịp hoàn tất thủ tục, Văn Hiệp đã đổ bệnh và ra đi khiến bà suy sụp. Cuối năm ngoái, khi "ông trưởng thôn" nằm viện, bà về nước 2 tháng để chăm sóc cho chồng cả ngày lẫn đêm. Đến khi chồng khỏe mạnh, về nhà và ăn uống, đi lại bình thường, bà mới trở lại Đức. Bà kể, lúc Văn Hiệp đau đến mức đạp chân vào người bà, bà trách "Sao anh ác với em thế?" thì ông bảo "Anh có ác đâu, vì anh đau quá thôi. Em phải thông cảm cho anh". Trong phòng bệnh có 9 giường bệnh nhân thì tất cả bệnh nhân và người nhà của họ đều nể bà bởi dù chồng có cáu gắt, nổi giận thế nào, bà vẫn ngọt ngào với chồng. Thời điểm giáp Tết, bệnh viện chuyển phòng cho Văn Hiệp, một mình bà cõng ông trên lưng sang phòng bệnh mới vì ông không thể đi được. Bà vẫn khắc ghi trong tim câu ông nói với bà sau khi xuất viện: "Hầu hạ anh như vậy là em quá tuyệt vời!". Cũng vì câu nói này của chồng mà bà "mát lòng, mát dạ" và yêu thương chồng nhiều hơn.
"Chúng tôi cứ như vợ chồng Ngâu vì mỗi năm ở bên nhau được vài lần. Nhưng tôi thấy ấm áp vô cùng bởi mỗi khi về nước, Văn Hiệp đều ra sân bay, vào tận chỗ lấy hành lý để xách đồ cho tôi. Khi tôi bay sang Đức, ông ấy lại đứng nhìn tôi đi hẳn vào phòng chờ rồi mới trở về nhà. Chồng tôi vẫn hay đùa rằng: Anh sẽ làm taxi cả đời cho em! Nhưng năm nay thì không còn taxi nào nữa rồi..."
Sau đám tang của Văn Hiệp, đã hai lần bà Kim Dung nằm mơ thấy chồng. Lần đầu, bà mơ ông đang ngồi chơi nhưng tự dưng biến mất. Bà giật mình chạy vào tận trong khu rừng rộng lớn để tìm. Khi đến vườn ngô, bà thấy ông nằm dưới gốc cây ngô và đắp một chiếc chăn len. Bà cất tiếng: Ơ hay! Nhìn Văn Hiệp buồn cười thế! Văn Hiệp đi đâu, làm gì đấy? Ông chỉ ngồi dậy, nhăn nhở cười với bà và đi mất. Lần khác, bà ngủ trưa ở căn phòng đối diện với phòng ngủ của chồng lúc ông còn sống. Bà nghe tiếng ông kêu: Giời ơi, làm cái gì mà lâu thế! Bà trả lời: Văn Hiệp chờ Dung một chút thôi! Nhưng ông cứ giục mãi làm bà mở mắt choàng tỉnh. Bà cười cay đắng:"Con dâu tôi bảo, vì tôi đi ngủ hay đắp chiếc chăn Văn Hiệp mua từ Thái Lan cho tôi nên mới nằm mơ về ông ấy".
Những ngày qua, có rất nhiều người hâm mộ tìm đến tận nhà chỉ để xin vào thắp cho Văn Hiệp nén nhang bày tỏ lòng thành kính với người nghệ sĩ họ yêu mến. Có cô gái chừng 17-18 tuổi đạp xe từ Hưng Yên lên Hà Nội rồi đứng trước ban thờ ông mà khóc. Một nhóm các bạn trẻ trên Facebook cũng đến tặng gia đình bức vẽ chân dung ông và hẹn đúng 49 ngày giỗ ông, họ sẽ lại đến thăm. Mỗi lần đón tiếp người hâm mộ chồng, bà Kim Dung lại tủi thân, cứ nhìn ban thờ ông mà khóc.
Căn phòng ngủ 8m2 của Văn Hiệp bây giờ vẫn giữ nguyên những đồ đạc ông dùng lúc còn sống. Tính ông vốn sạch sẽ, ngăn nắp nên từng chiếc huy hiệu, kỷ niệm chương trong mỗi lần đi hội diễn, ông đều cất giữ cẩn thận trong hộp. Toàn bộ những băng đĩa hài ông từng tham gia, ông để gọn gàng trong chiếc tủ chống ẩm. Bà Kim Dung còn tiết lộ, mấy hôm trước dọn nhà, bà còn tìm thấy 3 túi thuốc lào to mà Văn Hiệp được khán giả tặng khi ông đi diễn ở tỉnh xa. Những bức thư tình ông viết cho bà vẫn còn nguyên vẹn trong thùng ở góc phòng.
Trong mắt bà Kim Dung, Văn Hiệp là người chồng mẫu mực. Bao năm sống chung nhưng ông luôn tự mình gấp quần áo, không cần nhờ ai giúp. Ông còn dạy con dâu, rửa bát xong phải mở cửa sổ thoáng để bát nhanh khô. Ông cũng không bao giờ đổ đi đồ ăn thừa, thậm chí là một hạt cơm. Nếu cơm thừa, ông dặn con dâu đổ nước vào nồi ngâm, chờ cơm tơi ra rồi đổ vào giá cho khô, lúc nấu thì đổ cơm cũ vào hấp cùng nồi cơm mới. "Ông ấy sống chân thật, tiết kiệm lắm, nhưng với bạn bè thì lại rất xông xênh. Hồi còn sống, ông ấy còn bỏ tiền ra giúp cô Ngọc, một người hâm mộ chữa bệnh", bà tiết lộ.
Tháng 6 này tới, sau lễ cúng 49 ngày cho Văn Hiệp, bà Kim Dung sẽ về Đức để làm giấy tờ hồi hương. Bà muốn về sống gần với linh hồn chồng và cũng để thực hiện ý định sắp xếp phòng ngủ của ông thành phòng trưng bày những đồ vật kỷ niệm ông vẫn dùng lúc còn sống.
Theo: Ngoisao.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét