Dường như trên cuộc đời, có những người phụ nữ sinh ra chỉ để… khổ vì đàn ông...
Phạm Thị Hằng (1980, ngụ huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) nhan sắc, nhưng gây ấn tượng với người đối diện vì vết sẹo do dao chém hằn 1 bên. Dường như trên cuộc đời, có những người phụ nữ sinh ra chỉ để… khổ vì đàn ông. Cô tự nhận mình là một người như thế. |
Thiếu nữ “chửa hoang” lao đầu vào xe tải tự sát
Sinh ra trong 1 gia đình có tới 8 người con ở Ninh Bình, Hằng là chị cả nên thường thức khuya, dậy sớm đỡ đần bố mẹ. Cuộc sống sớm mưu sinh nên học lớp 3 cô bé đã bỏ học. Từ nhỏ bé gái được mọi người đánh giá là ưa nhìn, giỏi giang, lanh lợi, làm luôn tay chân không than vãn. Bố mẹ làm thêm nghề nuôi tôm, vài năm đầu cuộc sống khá giả, về sau những trận bão lũ liên tục, thua lỗ nên gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Liên tục vay tiền phục hồi lại nghề, tuy nhiên tôm lại mắc bệnh chết hàng loạt, kinh tế gia đình khánh kiệt, thành nghèo “rớt mồng tơi”.
Lớn lên, Hằng cũng có người yêu, cũng hạnh phúc khi cảm giác có người chia sẻ, che chở. Nhưng niềm vui ấy chẳng tồn tại lâu dài khi gia đình chàng trai phản đối kịch liệt. Với lý do gia đình không tương xứng, gia đình người yêu nói cô chỉ “đào mỏ”, quyết “từ” con nếu chọn cô. Không muốn người yêu rơi vào cảnh bất hiếu, cô chủ động chia tay. Muốn trốn chạy khỏi quá khứ đau buồn, Hằng quyết định vào Đồng Nai ở cùng người thân.
Một năm sau đó, tình yêu đầu nguôi ngoai, Hằng đón nhận tình cảm mới với chàng trai gần nhà. Ban đầu chàng trai tỏ ra khá quan tâm chăm sóc khiến cô cảm động. Hai năm yêu nhau, tình cảm tiến triển tốt, xác định hôn nhân chỉ là chuyện thời gian nên Hằng và người yêu đã “nếm trái cấm”. Nhưng đúng lúc cô vui mừng thông báo có thai thì cũng là lúc bộ mặt anh chàng họ Sở lộ diện. “Anh ta nói với tôi là cái thai của người khác, rồi mất hút từ đó, tôi gọi điện mà không bắt máy”, Hằng tâm sự. Tuyệt vọng, cô không còn nghĩ được gì ngoài cái chết. Trong một lần cùng quẫn, Hằng lao ra đường khi chiếc xe tải đang ầm ầm chạy tới. May mắn người tài xế phanh gấp, chỉ còn cách khoảng 30cm là tai nạn kinh hoàng.
Không thể chết Hằng òa khóc nức nở, người tài xế tát cho cô một cái đau điếng mới khiến cô bừng tỉnh.
Cay đắng cuộc sống bị chồng đối xử như gái điếm
Sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, Hằng trở về cố gắng sống tốt và sinh con. Đứa con được hai tuổi, người tình năm xưa về đòi nhận nhưng cô không đồng ý. Quyết tâm tránh xa người bạc tình, Hằng lại quen thêm người đàn ông nữa. Người này luôn tỏ ra đồng cảm, yêu thương cô và đứa con khiến Hằng thêm lần nữa hi vọng.
Nhưng phải mất hơn hai năm sau cô mới biết người đàn ông đã có vợ con ở quê. Năm lần bảy lượt bị phụ tình, Hằng quyết định “trả thù đời”: “Bất cứ ai hỏi sẽ lấy”.
Thời gian này, cô đến phụ nấu cơm cho nhà dì ở Cầu Sập, Đồng Nai. Gặp người chồng hiện tại, lúc ấy đang đi cai nghiện, nhưng cô quan niệm: “Chỉ cần người ta biết sửa đổi là được”. Hơn nữa, anh dùng điểm yếu của cô là mềm lòng nên thường an ủi, chia sẻ những khi cô buồn, hay giúp đỡ cô trong công việc. Quen nhau được một tháng, Hằng đã vội vàng tiến tới hôn nhân.
Cuộc sống hôn nhân của Hằng ban đầu cũng khá hạnh phúc, người chồng cố gắng dứt “nàng tiên nâu”. Tuy nhiên, thời gian đó không kéo dài và bị bạn bè xấu rủ rê, chồng cô lại tiếp tục dùng ma túy. Mặc lời khuyên của vợ, người chồng đi biền biệt hàng tháng.
Người chồng ham chơi hơn ham làm, vô công rồi nghề khiến Hằng phải bươn trải nuôi con rồi cõng thêm cả người chồng. Không có tiền trong những lần đói thuốc, anh lại “thó” đồ của nhà và hàng xóm đem bán để thỏa mãn cơn thèm thuốc.
Trong khi Hằng bụng đã vượt mặt, ngày vẫn đi làm cách hàng chục cây số, người chồng chỉ ở nhà chơi bời, chờ vợ về phục vụ. Những khi có bạn đến chơi, anh ta lúc nào cũng kiếm cớ “dạy vợ”, chê bai đủ điều, nhiều khi khiến Hằng thấy tủi hổ.
Cay đắng nhất đời là khi cô sắp sinh không có tiền, khi đó chồng cô còn ra điều kiện vợ phải “chiều” mình bằng cách ngậm… “của quý” thì anh ta mới đưa cho 600 ngàn. Cô gái rớt nước mắt nhớ lại: “Tôi là vợ anh, mà bị anh ta đối xử, đặt điều như một con điếm”.
7 năm chung sống Hằng có thêm 2 mặt con, người chồng lần nào cũng lấy cớ đánh Hằng: “Anh ta tái nghiện 5 lần, không cai được thuốc lại thêm tật nghiện rượu, về nhà là đánh vợ chửi con. Mỗi khi đánh anh ta lại viện lý do tôi có người khác để hành hạ".
Vất vả mưu sinh nuôi gia đình, Hằng làm việc không biết mệt mỏi, ngày nào không kiếm được 200 ngàn đồng thì con đói khát. Lúc này anh ta lại quay ra nghi ngờ: “Có phải mày đi làm đĩ không mà kiếm được nhiều tiền thế, khiến Hằng mệt mỏi chán nản”. Cô tâm sự: “Lúc nào anh ta cũng nghĩ tôi là thứ rẻ tiền, lấy để mua vui”.
“Mẹ mang bố ra chợ bán rồi mang bố khác về đây”
Gắng gượng chịu đựng, Hằng vẫn luôn bị chồng lấy cớ đánh đập. Có lần anh ta còn đốt chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh của cô. Con cái không có giấy tờ đi học, một mình cô lại phải về quê nhờ người làm lại giấy tờ. Đỉnh điểm chịu đựng là ngày 23/12/1012, người chồng sau một hồi ghen tuông đã vác con dao dưới bếp “chặt” thẳng vào mặt khiến vợ ngất lịm. May mắn vết thương không sâu, cô được bác sĩ cứu. Vết thương trên mặt đã lành, nhưng vết thương tinh thần thì không thể. Hằng quay trở lại Đồng Nai.
Khi cô bỏ đi gã chồng cũng nhắn tin hăm dọa nhiều lần, thậm chí còn nói muốn ly dị phải đưa cho anh ta thêm 20 triệu. Thấy vợ “rắn” quá, anh ta lại quay lại ỉ ôi đòi tái hợp.
Không muốn tiếp tục ràng buộc, cô cũng hy vọng mình được nuôi con dù cuộc sống nghèo khổ đến đâu. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cháu bé 5 tuổi “Mẹ mang bố ra chợ bán rồi mang bố khác về đây”, Hằng đỏ hoe mắt.
Ba mươi tuổi, nhưng nửa cuộc đời đã khốn khổ khốn nạn vì đàn ông, dễ hiểu khi người đàn bà này thề “xin cạch mặt đàn ông”. Tư vấn cho cô xong về những thủ tục ly hôn, người phụ nữ bịt khăn kín mít che đi vết sẹo dài rạch nát khuôn mặt đẹp, chỉ biết chúc cô đủ nghị lực vượt qua quãng đời khó khăn, đủ bản lĩnh vượt qua những yếu mềm. Cuộc sống cần một bờ vai đàn ông. Nhưng nếu “bờ vai” đó vũ phu độc ác, thà không có còn hơn.
(xahoi.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét