Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Bộ tộc bí ẩn luôn tự xưng là “anh cả của loài người”

Dù bộ tộc người Kogi luôn sống tách biệt với cuộc sống nhưng lại có thể hiểu tường tận về những hiểm họa đang diễn ra…

Trên vùng cao của dãy núi Sierra Nevada ở Colombia, có một bộ tộc người da đỏ thiểu số gọi là Kogi sinh sống biệt lập, không giao tiếp với ai, cách biệt khỏi các nền văn minh ngày nay đã nhiều thế kỷ.

Trong ngôn ngữ của người Kogi, cái tên Kogi, hay Cogui hoặc Kágaba có nghĩa là “báo đốm”. Họ có nguồn gốc từ nền văn minh Tairona ở vùng Sierra Nevada de Santa Marta, ngày nay thuộc về Magdalena và La Guajira của Colombia.


Người Kogi sống tách biệt với thế giới con người và ẩn mình trên núi cao, mãi cho đến năm 1974, một phi công bay lạc trên khu rừng rậm Bắc Sierra đã phát hiện phía dưới thấp thoáng dấu tích của một kim tự tháp cổ nhưng lại không giống kim tự tháp Ai Cập hay bất cứ kim tự tháp nào thường gặp ở Nam Mỹ.

Nhiều nhà khoa học đến đây nghiên cứu và khẳng định rằng, công trình đồ sộ với cách xây khác lạ, đạt đến trình độ cao này là một trong những nền văn minh cổ nhất ở Nam Mỹ, có niên đại khoảng 7 – 8.000 năm. Người ta dự đoán rằng, bộ lạc Kogi có thể là hậu duệ còn sót lại của chủ nhân di tích văn hóa cổ xưa này.

Rất ít người Colombia biết được họ là ai và sống như thế nào bởi người Kogi sống hoàn toàn khép kín, không muốn người ngoại tộc biết được cuộc sống của mình.

Họ luôn tự xưng mình là “anh cả” và gọi tất cả chúng ta là “em nhỏ”. Người Kogi, kể cả nam lẫn nữ đều để tóc dài, có nước da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giống nhau. Quần áo họ đều là vải tự dệt bằng sợi thô màu trắng, ống tay rộng, ngang lưng đeo một con dao dài.



Nhà của người Kogi là những túp lều nhỏ hình tròn, làm bằng thân cây gỗ xếp quanh, mái lợp bằng lá, có một cửa ra vào. Mỗi gia đình thường có hai lều, một lều cho đàn ông, một lều cho phụ nữ. Khách lạ đến thăm là đàn ông thì không được ghé vào lều của phụ nữa và ngược lại.

Ngôi làng của người Kogi.


Nơi hội họp của cả cộng đồng là một ngôi nhà chung, được dựng lên ở nơi thuận tiện cho mọi người đi lại với hình dáng tròn, rộng rãi, sạch sẽ.

Trong nhà không bày các vật thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của bộ tộc giống các bộ tộc khác. Ngôi nhà chung đơn giản chỉ là nơi tụ họp, nói chuyện, giảng đạo lý của người Kogi.


Những đứa trẻ được cha mẹ nuôi dưỡng nhưng đến năm 7 tuổi, chúng phải rời cha mẹ và đến ở với ông bà để học hỏi cách sống tự lập. Đến 21 tuổi, chúng đi theo các bậc trưởng lão để học hỏi thêm.

Họ sẽ đến hang tối, hay túp lều đơn sơ dựng nơi thanh vắng trong rừng sâu, ngồi im lặng và quay mặt vào vách đá để nghe các bậc trưởng lão ngồi phía sau giảng dạy.


Hàng ngày, ngoài lương thực, họ chỉ nhai một ít lá cây, uống nước và tĩnh tâm suy nghĩ. Khi đã là một người đàn ông 30 tuổi, trưởng thành về mọi mặt mới được lập gia đình.

Trẻ em trong bộ tộc không đến trường vì đơn giản, chúng không biết chữ viết và cũng không có sách vở. Những điều chúng được học chỉ thông qua truyền miệng từ đời này sang đời khác.


Trong tín ngưỡng của người Kogi, họ không thờ cúng hay các hoạt động liên quan đến tâm linh như các bộ tộc thiểu số khác. Người Kogi không ăn thịt, cá nên họ không săn bắn, thức ăn chủ yếu là những thứ họ trồng được như khoai, sắn, ngô, rau, chuối…


Tuy lạc hậu vậy, nhưng người Kogi được biết đến là những con người hết sức hiền lành, điềm đạm, ít nói. Họ tôn trọng tất cả các loài động vật và sống rất thân thiện với chúng vì cho rằng, mọi con vật đều biết đau đớn. Điều kỳ lạ là họ không thích người da trắng.


Người Kogi rất thông hiểu về các loài thảo dược và nhờ thế họ sống khỏe mạnh, không bệnh tật gì, nhiều người Kogi có tuổi thọ trên trăm tuổi.

Trong tổ chức xã hội ở Kogi không có người lãnh đạo mà mọi người đều được tham gia vào việc quyết định công việc của bộ tộc. Họ được tự do phát biểu ‎ý kiến và tất cả mọi công việc đều được thực hiện một cách tự giác.

Trưởng lão là những người có tiếng nói nhất vì có hiểu biết cũng như sự từng trải sâu nhất về mọi mặt của đời sống tinh thần, tâm linh.


Mặc dù sống khép kín nhưng không hiểu vì lý do gì mà người Kogi đã cho phép một ký giả đến quay phim về cuộc sống của mình với điều kiện phải truyền tải thông điệp đến những người “em nhỏ” trên toàn thế giới.


Một cư dân Kogi (ảnh trái) và Alan Ereira (đằng sau hình phải) – tác giả bộ phim tài liệu dài 86 phút của BBC năm 1990 “The Heart of The World: Elder Brother’s Warning”(tạm dịch: Từ trái tim của thế giới, lời cảnh báo của những người anh).

Trong thông điệp của người Kogi, họ nhấn mạnh rằng, số đông nhân loại đang tàn phá thiên nhiên một cách mù quáng, đang từng bước đi vào vết xe đổ của người Maya trước đây: tranh chấp tài nguyên và hứng chịu thiên tai. Trái đất sẽ chết nếu chúng ta không biết cách săn sóc Người.

Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực từ sau khi bộ phim tài liệu được phát sóng và thông điệp được truyền đi như việc chính phủ Colombia quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, cuộc sống của các bộ tộc ít người, việc bảo vệ cổ vật… Nhưng đến năm 2010, người Kogi lại tiếp tục gửi thông điệp tới những “người em” trên toàn thế giới.


Họ nhấn mạnh rằng, có một vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra đối với nơi họ sống – ngọn núi duyên hải cao nhất thế giới Sierra Nevada de Santa Marta: phần tuyết phủ trên các đỉnh núi ngày một ít đi.

Lượng nước dự trữ không còn, các sông suối ngày càng mau cạn. Một lần nữa, người Kogi đứng trước hiểm họa diệt vong, mà không biết lánh đi đâu.


Thông điệp gửi tới thế giới năm 2010 không chỉ là lời thúc giục loài người hãy bảo vệ Trái đất mà còn như một lời trăn trối của những người “anh trai”.

Không ai biết vì sao người Kogi luôn sống tách biệt với cuộc sống con người lại có thể hiểu tường tận về những hiểm họa đang diễn ra, nhưng những lời cảnh báo của họ không phải là không có lý do.
Theo kenh14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét