Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Giữa lúc chán nản, bị bạn gái chối lời tỏ tình

Trước khi định nhảy cầu Chương Dương (Hà Nội) tự vẫn, Nguyễn Tùng Khang gọi điện về đường dây tư vấn. Gọi đến đường dây tư vấn, Khang nói: “Em chán nản, thất vọng lắm. Em chết đây. Em đang ở cầu Chương Dương và chuẩn bị nhảy”.

Một tình huống khẩn cấp và chuyên gia tư vấn bắt buộc xử lý. Chuyên gia tư vấn gợi chuyện, hỏi han để hạ hỏa và phân tâm nỗi bức xúc của Khang. Cậu học sinh lớp 11 chia sẻ, chán sự đối xử bất công của gia đình nên muốn tìm đến cái chết. Chuyên gia hỏi: “Bất công thế nào?”.

Khang nói: “Bố mẹ ép học, bắt phải giỏi như người này, người kia; liên tục nêu gương một anh học giỏi ra đề chì chiết. Em hiểu rõ sức học của mình là không thể giỏi như người ta. Hơn nữa bố mẹ đâu có quan tâm em nghĩ gì, làm gì, chỉ cưỡng ép con theo ý mình…”. Rồi Khang bảo: “Giữa lúc chán nản thì bị bạn gái chối lời tỏ tình, em thấy không muốn sống nữa...”.

Trước khi định nhảy cầu tự tử Khang đã kể tội bố mẹ và đổ lỗi cho những người xung quanh. Sau khi được chuyên gia tâm lý chia sẻ cậu đã nhận ra sai lầm. Ảnh minh họa của Cẩm Kỳ.

Chuyên gia tâm lý tư vấn: “Nếu không thiết sống nữa thì em có thể nhảy cầu để giải quyết vấn đề của riêng mình. Nhưng trước khi chết hãy nán lại vài phút trò chuyện. Em có nghĩ sẽ có bao nhiêu người phải chịu nỗi đau do hành động này của em? Em nghĩ bố mẹ em sẽ ra sao khi mất con? Họ có tiếp tục sống, làm việc được không?”.

Khang im lặng. Chuyên gia tiếp: “Em không thấy cuộc đời còn rất nhiều điều tốt đẹp sao? Những chuyện xảy ra với em chẳng nghĩa lý gì, nếu bình tĩnh xử lý thì mọi chuyện sẽ êm đẹp…”. Cứ thế, chuyên gia tâm lý dần đưa Khang ra khỏi mớ hỗn độn cảm xúc... Cuối cùng Khang từ bỏ ý định nhảy cầu.

Nói về ca tư vấn đặc biệt này, Tiến sỹ Nguyễn Kim Quý cho biết: Trường hợp này phải lấy độc trị độc. Trước khi định tự tử Khang gọi điện đến đường dây tư vấn là có tâm lý muốn sống. Bản năng sống đang trỗi dậy nên phải dùng liều thuốc kích: “Bạn muốn chết thì chết luôn đi”.

Liều thuốc này sẽ có tác dụng khiến Khang thức tỉnh. Lứa tuổi học sinh lớp 9, 10, 11 hay bị khủng hoảng tâm lý và thường có phản ứng tự vệ bằng cách cắt tay, gây đau đớn để giải thoát mà đỉnh cao của cơ chế tự vệ này là tự vẫn.

Kêu cứu trực tiếp

Chị Phạm Thị Hà mang khuôn mặt tiều tụy khi đưa con trai từ Đăk Lắk đến trung tâm tư vấn cầu cứu. Chị Hà bị chồng bạo hành nhiều năm liền. Trên người chị có chi chit vết tím bầm. Thường xuyên chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, con trai chị Hà - Huỳnh Văn Điền sợ hãi bỏ nhà, bỏ học lang thang, gia nhập nhóm trẻ bụi đời.

14 tuổi, Điền đã tỏ ra là dân anh chị, hung hãn, côn đồ, bất cần, sẵn sàng chém người. Chị Hà lo sợ, muốn kéo con ra khỏi tội ác nên đưa con ra Hà Nội.

Chị Hà cho biết, Điền đã vài lần bị bắt vì đâm chém, nhưng lại được tha bởi đang ở tuổi vị thành niên. Một thời gian dài sống tách biệt nhóm bạn xấu, cùng trò chuyện, học các bài kỹ năng sống với các chuyên gia tâm lý, Điền đã thay đổi, có suy nghĩ tích cực hơn.

Theo chuyên gia tâm lý, rất nhiều phụ huynh đưa con đến kêu cứu ở trung tâm. Trong đó phần đông số bạn trẻ do nghiện game, hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực ở gia đình, hàng xóm nên tính rất hung hãn.

Giáo dục trong gia đình bị xem nhẹ được coi là nguyên nhân chính của xu hướng tự tử cao trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ tự tử chỉ vì muốn phản kháng gia đình. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nhiều bạn trẻ dễ trầm cảm, bất mãn cũng là nguyên nhân dẫn đến tự tử.

Theo Hải Yến

Tiền phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét