Bất mãn, nhiều người trẻ bỏ đi “bụi” rồi vi phạm pháp luật. Có điều lạ là, họ là con nhà khá giả, bố mẹ có địa vị. Nhiều gia đình đã tìm đến đường dây tư vấn cầu cứu.
Bỗng dưng thành... đại ca
Nguyễn Thành Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành “đại ca” một băng nhóm xã hội đen. Nguyên nhân anh này trở thành đại ca là do gia đình lục đục, bố mẹ bất hoà.
Bố mẹ Nam là cán bộ nhà nước nhưng thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã. Nam thường xuyên chứng kiến bố đánh mẹ. Nam chán đời bỏ đi chơi với bạn xấu, thường xuyên lấy trộm tiền của bố mẹ, hết tiền lại quay về. Bố mẹ đánh chửi, Nam hùng hổ phản kháng và thậm chí đánh lại.
Nam nghiện game, xả mọi nỗi niềm vào game. Dù học lớp 11, nhưng Nam học vật vờ, đến quán internet nhiều hơn đến lớp. Một ngày, Nam gia nhập nhóm xã hội đen, chuyên đi trấn lột, lấy đêm làm ngày.
Những đứa trẻ rời bỏ gia đình không yên ấm thường đối mặt nhiều cạm bẫy.
Tính hung hăng và khuôn mặt đanh thép, Nam được phong làm đại ca, điều hành hơn chục đệ tử. Lâu lâu khi kiếm ăn khó khăn, Nam lại quay về nhà trộm tiền, trộm đồ để có tiền tiêu. Bố mẹ ngăn cản không được.
Điều đặc biệt, bố Nam công tác trong ngành công an. Bản thân Nam ý thức được vấn đề, hiểu được những việc làm sai trái của mình, nhưng vẫn tiếp tục hành động.
“Em làm vậy để chọc tức bố mẹ, để bố mẹ thay đổi”, Nam lạnh lùng chia sẻ với chuyên gia tâm lý qua đường dây tư vấn. Chị gái Nam là sinh viên cũng bỏ nhà đi thuê trọ ở riêng vì không chịu nổi cuộc sống ngột ngạt của gia đình.
Thần tượng sụp đổ
Vào cấp ba, Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu chứng kiến cảnh bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn vì mỗi người đều có khoảng trời riêng. Tùng phát hiện bố mẹ đang cố tạo nên việc chung cái vỏ bọc ấm êm cho gia đình.
Tùng tự tìm hiểu, và thấy rõ mối quan hệ của bố mẹ đã rạn nứt một cách trầm trọng. Bố mẹ Tùng đều là bác sỹ ở những bệnh viện nổi tiếng tại Hà Nội. Tùng lớn lên trong sự bao bọc và luôn tự hào về bố mẹ. Tùng cũng từng ấp ủ ước mơ sau này sẽ theo nghề y, xem bố mẹ là thần tượng.
Nhưng một ngày, sự thật phơi bày, thần tượng trong Tùng sụp đổ. “Tại sao và tại sao?”, những câu hỏi nhảy múa trong đầu, Tùng không thể lý giải việc bố mẹ lừa dối nhau (ngoại tình), phản bội niềm tin và sự ngưỡng mộ của mình. Như bị sang chấn tâm lý, một thời gian dài Tùng nằm nhà ôm gối, bỏ ăn, bỏ học, không liên lạc với bạn bè. Tùng cảm thấy xấu hổ, tủi thân và bất hạnh.
Trong lúc chán nản, thất vọng, không biết chia sẻ với ai, Tùng bỏ nhà đi lang thang cùng đám bạn “bụi đời”.
Từ một chàng công tử, luôn đầy đủ tiện nghi, tiền tiêu vặt rủng rỉnh, từ khi theo đám bạn “bụi đời”, Tùng thay đổi hẳn, sẵn sàng đi trấn lột, trộm cướp. Tùng đã hai lần bị công an bắt, nhưng được bố mẹ bảo lãnh cho tại ngoại.
Bị nhốt trong nhà, ức chế, Tùng đập phá mọi thứ. Ba lần Tùng dùng dao lam cắt tay tự sát nhưng đều được gia đình phát hiện ngăn cản kịp thời. Tay Tùng gần chục vết dao lam cứa. Chia sẻ với chuyên gia tâm lý ở đường dây tư vấn, Tùng nói rất hận bố mẹ và muốn cứa nát tay để kết thúc cuộc đời, không muốn sống chung cùng bố mẹ nữa.
Được chuyên gia tâm lý khuyên nhủ, Tùng quay trở lại đi học, nhưng mối quan hệ với bố mẹ vẫn không cải thiện. Tùng vẫn vẻ mặt lầm lì khi về nhà, đến trường học thì vật vờ, thường xuyên bỏ đi chơi cùng bạn xấu.
“Ở hai câu chuyện này, nguyên nhân chính khiến các bạn sống lêu lổng, vi phạm pháp luật là do bất mãn với gia đình, thất vọng với bố mẹ. Nếu bố mẹ các bạn ấy thay đổi cách sống, tìm hiểu quan tâm đến con hơn thì câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác.
Sau thời gian dài được tư vấn tâm lý, cùng với sự hợp tác của gia đình, Tùng đã đi học trở lại và chuẩn bị thi đại học, Nam đã được học các lớp kỹ năng sống và dần thay đổi”, Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý chia sẻ.
Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, số vụ vi phạm pháp luật hình sự do người chưa thành niên gây ra tăng đột biến trong 5 năm qua. Trẻ hóa tội phạm đang thực sự trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Có những vụ việc, động cơ gây án xuất phát từ những lý do không đáng có…
Bị gia đình bỏ rơi là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm trẻ ngày càng tăng. Trong một nghiên cứu của Trung tâm, với tội phạm trẻ có 46% đối tượng phạm tội có gia đình phức tạp, trong nhà có người thân dính líu đến các hoạt động phạm pháp, 18% có hoàn cảnh bố mẹ ly dị. Chỉ 4% phạm nhân có xuất thân trong gia đình bình thường.
Theo Hải Yến-Tiền phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét