Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Khen ở công sở sao cho khéo?

Có thể bạn nghĩ, khen người khác khi họ làm tốt được công việc thật quá dễ, cần gì phải hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mọi người không biết cách để đưa ra những nhận xét chân thực, tích cực và có ích ở công sở.
Ảnh minh họa

Thay vào đó, mọi người thường đưa ra những lời khen ngợi chung chung, nhàn nhạt, kiểu như: “Này, hôm nay anh làm tốt đấy Nam!” hay “Lan, cậu đúng là một ngôi sao!”

Nam và Lan có thể cảm thấy vui sau khi nghe những lời khen này, nhưng chẳng hề tốt lên khi được khen như vậy. Họ không hề nhận được thông tin gì trong những lời khen như thế để mà biết hướng phấn đấu trong những lần sau. Họ chẳng rõ hành động của thể nào của họ nhận được lời khen, vì thế họ không biết để lặp lại hành động đó trong tương lai. 

Để đưa ra những lời khen tích cực và hiệu quả hơn ở công sở, bạn có thể làm theo một số gợi ý dưới đây:

1. Chỉ ra hành động cụ thể mà bạn muốn khen

Thứ nhất, hãy nói với người được khen chính xác về việc mà anh/cô ấy đã làm mà bạn muốn khen. Đưa ra những chi tiết thật rõ ràng. Sử dụng tên của người mà bạn muốn khen, đồng thời miêu tả những hành động cụ thể của họ mà bạn chứng kiến hoặc nghe người khác kể lại.

Chẳng hạn: “Nam, tôi thực sự đánh giá cao việc anh sẵn sàng đứng lên và nhận trách nhiệm về dự án tuần trước. Tôi biết anh đã dành nhiều thời gian và nỗ lực cho dự án, thể hiện qua phần thuyết trình của anh”.

2. Chỉ ra kết quả (nếu có thể) nhưng không nhấn mạnh vào đó

Nếu bạn có thể liên hệ trực tiếp một kết quả tích cực với hành động của người được khen, thì hãy nêu rõ kết quả đó. Nhưng đừng nhấn mạnh quá nhiều vào phần kết quả. Hãy nhớ rằng bạn đang công nhận nỗ lực và hành động của người được khen, trong khi kết quả nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Chỉ cần người đó làm tốt và cố gắng, thì kết quả cuối cùng gần như chằng liên quan gì tới lời khen.

Chẳng hạn: “Tôi nghĩ là bài thuyết trình của anh gây ấn tượng với khách hàng. Chúng ta có thể sẽ giành được hợp đồng”.

Lưu ý, trong trường hợp bài thuyết trình của người này không đạt được kết quả như mong muốn là giành được hợp đồng, thì anh ấy vẫn đã nỗ lực và xứng đáng được công nhận. Anh ấy đã đưa công ty tới khả năng đạt được kết quả tốt nhất, cho dù điều gì xảy ra.

Mọi người thường có thói quen chỉ công nhận kết quả, cho dù trong những trường hợp người được khen chẳng có mấy nỗ lực để đạt kết quả đó. Cách khen này sẽ phản tác dụng đối với những người làm việc cố gắng và xứng đáng được công nhận nhưng kết quả mà họ đạt được chưa như mong muốn do hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

3. Nói rõ hành động của người được khen đã ảnh hưởng tích cực ra sao tới bạn/ê-kíp và/hoặc tổ chức

Một kết quả quan trọng hơn mà bạn nên nhấn mạnh vào trong lời khen của mình là hành động của người được khen đã ảnh hưởng như thế nào tới cá nhân bạn. Người đó đã giúp cuộc sống của bạn tốt lên như thế nào hay công việc của bạn hiệu quả hơn như thế nào? Họ đã giúp ích ra sao cho toàn bộ tổ chức? Tóm lại, điều gì đã khiến bạn ghi nhận đóng góp của họ?

Chẳng hạn: “Tôi rất vui khi thấy nhóm của chúng ta có thể dựa vào anh như thế này. Anh cảm thấy chúng tôi thật yên tâm vì có anh ở đây”.

4. Bày tỏ sự biết ơn và khuyến khích người được khen có thêm những hành động tương tự trong tương lai

Cuối cùng, hãy kết thúc lời khuyên của bạn bằng một lời cảm ơn chân thành và nhắc người được khen rằng, bạn rất muốn tiếp tục chứng kiến hành động tương tự của họ sau này.

Chẳng hạn: “Cảm ơn anh rất nhiều Nam ạ. Hãy tiếp tục làm công việc tuyệt vời này nhé!”

5. Một vài lời khuyên khác

* Đưa ra phản hồi tích cực sớm nhất có thể: Đừng đợi cho tới khi công việc hoàn tất mới đưa ra lời khen. Khi thời gian trôi qua, bạn sẽ quên mất những chi tiết cụ thể, và ở thời điểm mà người được khen cố gắng, họ sẽ cảm thấy những nỗ lực của họ bị phớt lờ.

* Hãy khen ngời thường xuyên, nhưng đừng quá thường xuyên: Việc khen ngợi quá nhiều có thể khiến những người xung quanh bạn cảm thấy sự thiếu chân thành. Bên cạnh đó, việc khen ngợi quá thường xuyên sẽ làm mất đi tác dụng tích cực của lời khen. Hãy chọn những đóng góp đáng ghi nhận nhất để công nhận.

* Dành lời khen đồng đều cho mọi người: Đừng ưu ái một vài người nào đó. Hãy tìm cơ hội để khen ngợi từng người làm việc cùng bạn. Một phản hồi tích cực, dù nhỏ, cũng hiệu quả hơn nhiều so với những lời chỉ trích tiêu cực.

* Đừng lo ngại về chức danh của bạn: Những lời phản hồi tích cực có thể đến từ bất kỳ ai mà không nhất thiết phải là của cấp trên dành cho cấp dưới. Bạn có thể khen ngợi đồng nghiệp, cấp dưới hoặc thậm chí là cấp trên của bạn. Miễn là lời khen của bạn là thực lòng và chuyên nghiệp, thì lời khen đó hoàn toàn có thể được đưa ra và xứng đáng được đánh giá cao.
Phương Anh-Theo US News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét