Ấp ủ trong tim mình ai cũng có một miền quê, một vùng đất mà đi đến đâu ta cũng không thể nào xoá nhoà đi hình bóng yêu thương của miền quê ấy. Nó không chỉ còn là một vùng đất nữa, nó là tình yêu, một tình yêu tuy không được nói ra nhưng thiêng liêng, nhưng cao quý và trong sạch đến vô ngần.
Cũng như bao nhiêu người khác, tôi yêu mảnh đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó. Đó là một miền quê nghèo khó với biết bao đắng cay cơ cực, với bao nỗi lo toan trong vòng xoáy điên cuồng của cuộc sống. Thậm chí miền quê ấy còn không được ghi tên trên bản đồ Việt Nam. Nhưng như thế có hề gì, bởi tôi đã được nuôi dưỡng và chở che trên mảnh đất cội cằn ấy.
Miền yêu thương
Người ta bảo quê tôi là mảnh đất buồn. Đúng thế! Ngay từ khi mới sinh ra tôi đã cảm nhận được cái buồn đến nao lòng từ trong câu hát ru của bà. “Ví dầu cầu ván đóng đinh – Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”. Cái nghèo, cái khó đã trở thành một cái gì đó như là nỗi ám ảnh, nó in hằn lên gương mặt của bà, của mẹ, in hằn lên cả khúc hát tuổi thơ tôi.
5 tuổi, mẹ dắt tay tôi đến trường mẫu giáo. Ngôi trường nhỏ và có phần lụp xụp nằm khép mình trong tán lá xanh rì. Gọi là trường cho oai chứ thực ra đó chỉ là một gian nhà nhỏ mượn của đình làng. Tất cả học sinh của ngôi làng nhỏ đều học chung với nhau, ngồi lẫn lộn với nhau, không phân biệt lớn bé. Người ta chỉ kê vỏn vẹn 3 bộ bàn ghế đã cũ, còn thì cô giáo tháo cánh cửa lớp hoc cho chúng tôi ngồi, rồi cuối buổi lại một mình lắp cánh cửa trở về chỗ cũ. Tôi vẫn nhớ có lần vì tháo cánh cửa cô bị nó đè vào người, một bên chân máu chảy ra be bét. Lũ trẻ con chúng tôi khi đó nào đã biết gì, thấy cô giáo chảy nhiều máu như vậy chỉ biết đứng nhìn sợ hãi và khóc ré lên. Còn cô vừa phải dựng lại cánh cửa, vừa dỗ dành chúng tôi nín khóc, nuớc mắt cô trào ra, mếu máo, giọng cô run run. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm ấy, cô đã bế tôi vào lòng lau nước mắt cho tôi, xoa đầu tôi và bọn trẻ, và cô hát. Tiếng hát đôi khi bị đứt đoạn bởi nước mắt cứ thi nhau chan hoà trên gương mặt cô. Cái nghèo khó lại đang chứng tỏ sự hiện diện của nó. Tôi không nhớ cô đã hát bài gì, nhưng gương mặt cô khi ấy biểu lộ rõ một niềm chua xót. Cô thương bản thân mình, thương những người dân quê, và hơn hết tôi biết cô thương lũ trẻ chúng tôi nhiều lắm, những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó và đang lớn lên trong khó nghèo. Và không biết tự bao giờ cô đã nhen nhóm trong chúng tôi về một ước mơ, tuy không thật định hình nhưng thật tươi sáng. Một ước mơ ngập tràn hạnh phúc.
Cũng như bao gia đình khác, gia đình tôi là một gia đình nghèo, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Bố mẹ tôi đầu tắt mặt tối, chật vật với cuộc sống lắm mới đủ để nuôi chị em tôi ăn học, mặc dù nhà tôi chỉ có hai chị em. Tôi vẫn nhớ những trưa tháng 7, tháng 8 nắng gắt, tôi phải mang cơm ra đồng cho bố. Bố tôi là một thợ máy cày đi cày thuê. Lúc đó cả làng chỉ có mình bố tôi làm máy nên công việc lúc nào cũng như ngập lên đến tận cổ. Bố tôi phải làm việc không ngừng nghỉ để kịp mùa vụ. Bố làm việc đến tận 12 giờ trưa mới nghỉ để ăn cơm, ăn xong nghỉ khoảng 1 tiếng rồi lại làm đến tối mịt. Ngày nào cũng vậy, mới 2, 3 giờ sáng người ta đã nghe thấy tiếng máy nổ của bố tôi, đều đặn như chuông đồng hồ báo giờ. Bố làm việc trên đồng và cũng ngủ luôn ở trên đồng, có hôm phải ngủ cả ở bãi tha ma. Người ta e ngại cho công việc của bố, nhưng bố chỉ cười :”Biết mình nghèo khổ thế này ông trời ắt phải thương, ma quỷ cũng chẳng làm khó mình làm gì”. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ bố lơ là công việc, lúc nào cũng tận tuỵ, có trách nhiệm. Bố nói: “Người ta tin tưởng mình mới thuê mình làm, mình làm cẩu thả coi sao nổi?”. Bởi thế mà bố được mọi người yêu quý và tôn trọng. Chị em tôi cũng không bao giờ bị bắt nạt, bởi người ta biết chị em tôi là con của bố tôi. Yêu bố, chúng tôi luôn tự hào về bố. Bố đã trở thành thần tượng của chị em tôi. Những lúc rảnh rỗi bố thường ôm chị em tôi vào lòng khuyên chị em tôi gắng học: “Bố chỉ có thể cho các con ăn học, dù không được bằng người ta nhưng chị em mày mà học được bố bán nhà đi cũng không tiếc”. Lời nói ấy luôn in sâu vào trong trái tim tôi, như là động lực để tôi vượt qua tất cả. Và cũng không biết tự bao giờ cái mùi nồng nồng ngai ngái của đất mới cày đã theo tôi mãi, để mỗi lần ngửi thấy ở đâu đó tôi như lại trở về với miền đất quê hương với cái dáng liêu xiêu của bố tôi trên đồng ruộng.
Tôi nhớ cả những trưa tháng 5 tôi cùng mẹ ra đồng bắt cua bỏng. Nước ở dưới chân tôi như được đun sôi, khiến con cua không chịu được phải ngoi lên, lảo đảo như một gã say, và bị tóm gọn mà không kháng cự. Chân bỏng rát, nhưng tối đến cả nhà lại ngồi ăn cơm vui vẻ bên nhau với bát canh cua bổ mát. Những tiếng cười đã xoa dịu đi tất cả những mệt nhọc của một ngày làm việc.
Lớn lên, tôi theo học ơ trường huyện, rồi bây giờ tôi đang ngồi trên ghế của một trường phổ thông danh tiếng của cả nước, tiếp xúc với bao điều mới lạ. Nhưng chẳng bao giờ tôi quên được những gì bình dị nhất của quê tôi. Những toà nhà cao tầng chẳng thể khiến tôi thôi nhớ về những mái nhà ngói đã hoen rỉ màu rêu, những siêu thị chẳng ngăn nổi nỗi nhớ về một phiên chợ quê nghèo khó. Những con người hiện đại chẳng làm tôi lãng quên những người dân chân chất thật thà chân lấm tay bùn với biết bao khó nhọc. Mùi của xe cộ không bao giờ xoá nhoà được mùi của đất mới cày trong trái tim tôi. Bỗng từ đâu tôi thấy vang lên khúc hát:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Phải rồi! Quê hương chỉ có một và suốt đời tôi chỉ hướng đến miền quê ấy – miền yêu thương trong trái tim tôi.
Cũng như bao nhiêu người khác, tôi yêu mảnh đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó. Đó là một miền quê nghèo khó với biết bao đắng cay cơ cực, với bao nỗi lo toan trong vòng xoáy điên cuồng của cuộc sống. Thậm chí miền quê ấy còn không được ghi tên trên bản đồ Việt Nam. Nhưng như thế có hề gì, bởi tôi đã được nuôi dưỡng và chở che trên mảnh đất cội cằn ấy.
Miền yêu thương
Người ta bảo quê tôi là mảnh đất buồn. Đúng thế! Ngay từ khi mới sinh ra tôi đã cảm nhận được cái buồn đến nao lòng từ trong câu hát ru của bà. “Ví dầu cầu ván đóng đinh – Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”. Cái nghèo, cái khó đã trở thành một cái gì đó như là nỗi ám ảnh, nó in hằn lên gương mặt của bà, của mẹ, in hằn lên cả khúc hát tuổi thơ tôi.
5 tuổi, mẹ dắt tay tôi đến trường mẫu giáo. Ngôi trường nhỏ và có phần lụp xụp nằm khép mình trong tán lá xanh rì. Gọi là trường cho oai chứ thực ra đó chỉ là một gian nhà nhỏ mượn của đình làng. Tất cả học sinh của ngôi làng nhỏ đều học chung với nhau, ngồi lẫn lộn với nhau, không phân biệt lớn bé. Người ta chỉ kê vỏn vẹn 3 bộ bàn ghế đã cũ, còn thì cô giáo tháo cánh cửa lớp hoc cho chúng tôi ngồi, rồi cuối buổi lại một mình lắp cánh cửa trở về chỗ cũ. Tôi vẫn nhớ có lần vì tháo cánh cửa cô bị nó đè vào người, một bên chân máu chảy ra be bét. Lũ trẻ con chúng tôi khi đó nào đã biết gì, thấy cô giáo chảy nhiều máu như vậy chỉ biết đứng nhìn sợ hãi và khóc ré lên. Còn cô vừa phải dựng lại cánh cửa, vừa dỗ dành chúng tôi nín khóc, nuớc mắt cô trào ra, mếu máo, giọng cô run run. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm ấy, cô đã bế tôi vào lòng lau nước mắt cho tôi, xoa đầu tôi và bọn trẻ, và cô hát. Tiếng hát đôi khi bị đứt đoạn bởi nước mắt cứ thi nhau chan hoà trên gương mặt cô. Cái nghèo khó lại đang chứng tỏ sự hiện diện của nó. Tôi không nhớ cô đã hát bài gì, nhưng gương mặt cô khi ấy biểu lộ rõ một niềm chua xót. Cô thương bản thân mình, thương những người dân quê, và hơn hết tôi biết cô thương lũ trẻ chúng tôi nhiều lắm, những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó và đang lớn lên trong khó nghèo. Và không biết tự bao giờ cô đã nhen nhóm trong chúng tôi về một ước mơ, tuy không thật định hình nhưng thật tươi sáng. Một ước mơ ngập tràn hạnh phúc.
Cũng như bao gia đình khác, gia đình tôi là một gia đình nghèo, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Bố mẹ tôi đầu tắt mặt tối, chật vật với cuộc sống lắm mới đủ để nuôi chị em tôi ăn học, mặc dù nhà tôi chỉ có hai chị em. Tôi vẫn nhớ những trưa tháng 7, tháng 8 nắng gắt, tôi phải mang cơm ra đồng cho bố. Bố tôi là một thợ máy cày đi cày thuê. Lúc đó cả làng chỉ có mình bố tôi làm máy nên công việc lúc nào cũng như ngập lên đến tận cổ. Bố tôi phải làm việc không ngừng nghỉ để kịp mùa vụ. Bố làm việc đến tận 12 giờ trưa mới nghỉ để ăn cơm, ăn xong nghỉ khoảng 1 tiếng rồi lại làm đến tối mịt. Ngày nào cũng vậy, mới 2, 3 giờ sáng người ta đã nghe thấy tiếng máy nổ của bố tôi, đều đặn như chuông đồng hồ báo giờ. Bố làm việc trên đồng và cũng ngủ luôn ở trên đồng, có hôm phải ngủ cả ở bãi tha ma. Người ta e ngại cho công việc của bố, nhưng bố chỉ cười :”Biết mình nghèo khổ thế này ông trời ắt phải thương, ma quỷ cũng chẳng làm khó mình làm gì”. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ bố lơ là công việc, lúc nào cũng tận tuỵ, có trách nhiệm. Bố nói: “Người ta tin tưởng mình mới thuê mình làm, mình làm cẩu thả coi sao nổi?”. Bởi thế mà bố được mọi người yêu quý và tôn trọng. Chị em tôi cũng không bao giờ bị bắt nạt, bởi người ta biết chị em tôi là con của bố tôi. Yêu bố, chúng tôi luôn tự hào về bố. Bố đã trở thành thần tượng của chị em tôi. Những lúc rảnh rỗi bố thường ôm chị em tôi vào lòng khuyên chị em tôi gắng học: “Bố chỉ có thể cho các con ăn học, dù không được bằng người ta nhưng chị em mày mà học được bố bán nhà đi cũng không tiếc”. Lời nói ấy luôn in sâu vào trong trái tim tôi, như là động lực để tôi vượt qua tất cả. Và cũng không biết tự bao giờ cái mùi nồng nồng ngai ngái của đất mới cày đã theo tôi mãi, để mỗi lần ngửi thấy ở đâu đó tôi như lại trở về với miền đất quê hương với cái dáng liêu xiêu của bố tôi trên đồng ruộng.
Tôi nhớ cả những trưa tháng 5 tôi cùng mẹ ra đồng bắt cua bỏng. Nước ở dưới chân tôi như được đun sôi, khiến con cua không chịu được phải ngoi lên, lảo đảo như một gã say, và bị tóm gọn mà không kháng cự. Chân bỏng rát, nhưng tối đến cả nhà lại ngồi ăn cơm vui vẻ bên nhau với bát canh cua bổ mát. Những tiếng cười đã xoa dịu đi tất cả những mệt nhọc của một ngày làm việc.
Lớn lên, tôi theo học ơ trường huyện, rồi bây giờ tôi đang ngồi trên ghế của một trường phổ thông danh tiếng của cả nước, tiếp xúc với bao điều mới lạ. Nhưng chẳng bao giờ tôi quên được những gì bình dị nhất của quê tôi. Những toà nhà cao tầng chẳng thể khiến tôi thôi nhớ về những mái nhà ngói đã hoen rỉ màu rêu, những siêu thị chẳng ngăn nổi nỗi nhớ về một phiên chợ quê nghèo khó. Những con người hiện đại chẳng làm tôi lãng quên những người dân chân chất thật thà chân lấm tay bùn với biết bao khó nhọc. Mùi của xe cộ không bao giờ xoá nhoà được mùi của đất mới cày trong trái tim tôi. Bỗng từ đâu tôi thấy vang lên khúc hát:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Phải rồi! Quê hương chỉ có một và suốt đời tôi chỉ hướng đến miền quê ấy – miền yêu thương trong trái tim tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét