Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Những nguồn ô nhiễm trong nhà ở, văn phòng

Các thiết bị đang sử dụng trong gia đình như nội thất, thảm, đồ gỗ, sơn tường có thể ra môi trường khí độc không màu, khó phát hiện, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
 
Nhiễm khí radon

Radon là loại khí không màu, không vị, sinh ra từ phân rã hạt nhân urani trong tự nhiên. Đây là loại khí nặng nhất trong số các nguyên tố ở thể khí nên raddon, nó thường tích đọng ở lớp không khí sát mặt đất.

Trong tự nhiên, radon có trong đất đá, xỉ than, bãi thải vật liệu xây dựng kể cả bùn. Radon theo các khe nứt ở nền nhà, vách tường, cống rãnh để tập trung trong phòng kín, nhất là những phòng điều hòa nhiệt độ không được lưu thông không khí tốt.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe và các đồng nghiệp từng nghiên cứu ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, radon bám vào các hạt bụi nhỏ, xâm nhập vào người qua đường hô hấp hoặc thấm qua da, qua các vết thương. Chất này có thể gây ung thư phổi, máu trắng.

Ông Hòe khuyên mọi người nên để phòng ở thông thoáng bằng cách mở cửa để không khí được lưu thông.
Các chất dễ bay hơi

Chất formaldehyle, benzen, phenol có từ tấm gỗ dán, gỗ ép, mùn ca ép, dăm bào ép, các tấm thảm trải sàn bằng sợi hóa học, vật liệu cách điện. Các chất thơm dễ bay hơi sử dụng làm chất phụ ga để làm các vật liệu kết dính nhằm sản xuất đồ gỗ nhân tạo hoặc vật liệu trang trí trong nhà.

Nhà khoa học khuyên các gia đình nên hạn chế dùng vật liệu gỗ nhân tạo, nhựa giả gỗ, sợi hóa học, phòng ở phải thông thoáng.
Các loại hóa chất tẩy rửa

Lò vi sóng, bột giặt, nước lau sàn, sơn tường và cả thuốc trừ sâu, các sản phẩm thủ công và các loại đồ dùng chăm sóc vườn cũng khiến môi trường trong nhà ô nhiễm.

Các nhà khoa học cho rằng, thay vì dùng chất tẩy rửa đồ dùng nhà bếp, nước tẩy quần áo bằng hóa chất, mọi người nên dùng sản phẩm tẩy rửa hữu cơ không gây ô nhiễm như chanh, giấm; đồng thời hạn chế dùng nước xịt phòng, nến thơm.
Máy tính

Tổ chức Y tế thế giới WHO tổng hợp các tác nhân của việc thường xuyên sử dụng máy vi tính như một dạng đặc biệt của "ô nhiễm trong nhà" như mỏi mắt, giảm thị lực, đau, nóng, rát, đỏ mắt, chảy nước mắt hoặc khô mắt, nhìn mờ, nhìn một thành hai, co đồng tử, cận thị. Bên cạnh đó, người sống trong nhà có cảm giác đau vùng trán; cơ xương mỏi; dễ nổi cáu, lo âu, ăn không ngon.


Máy tính, máy in là một trong những nguồn gây ô nhiễm trong phòng. Ảnh: Anh Tuấn.

Các tác động của máy vi tính chủ yếu do bức xạ điện từ trường của máy phát ra và độ sáng màn hình không ổn định (độ sáng do nội dung thông tin trên màn hình quyết định).
Thảm trải sàn, mành, ga, gối, đệm

Đây là môi trường phát sinh nấm mốc, bụi bám, nhất là các thứ làm từ lông thú. Bọ bụi là loại ký sinh trùng thích hợp với các đồ gia dụng. Hít phải nấm mốc và bụi, con người sẽ bị hen, bụi phổi. Bọ bụi gây viêm da dị ứng, ho hen. Đặc biệt chúng bám rất chắc vào thảm, mành, máy hút bụi khó tiêu diệt chúng.

Các chuyên gia khuyên, mọi người cần hút bụi thường xuyên trên sàn nhà, bàn ghế, giặt áo gối, ga trải giường bằng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn, dùng máy lọc không khí hoặc mở cửa sổ làm thoáng không khí trong phòng.

Nếu nuôi thú cưng, các gia đình cần chăm sóc và giữ vệ sinh cho chúng, chải lông, lau sàn nơi chúng thường ngủ, dọn dẹp nơi chúng ở để tránh lưu bụi bẩn, vi khuẩn và sinh vật như ve, bọ chét.
Hội chứng nhà cao tầng (SBS)

Thuận ngữ hội chứng nhà cao tầng (Sick Building Syndrom) còn gọi là hội chứng văn phòng hoặc hội chứng nhà kín là tác động tổng hợp của nhiều tác nhân trong nhà. Biểu hiện bệnh lý là da khô, mệt mỏi tinh thần, hay cáu gắt.

Theo tiến sĩ Hòe, khoảng 20% số người sống và làm việc trong căn phòng "hiện đại" có triệu chứng điển hình của SBS. Có người bị hội chứng hay buồn ngủ, nhức đầu, tắc mũi, mắt khô, da khô, đôi khi chảy nước mắt, tâm lý không ổn định.

Hội chứng này sẽ chóng hết nếu khi rời phòng kín tòa nhà cao tầng khoảng 2 đến 3 tiếng và có thể hết hẳn sau kỳ nghỉ cuối tuần nơi thoáng đãng, nhưng vài giờ sau khi ở trong phòng kín, các triệu chứng sẽ trở lại.

Thạc sĩ Ngô Quốc Khánh, Trung tâm Khoa học Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, khuyến cáo người lao động nên tăng cường vận động cơ thể sau khi làm việc; tập thói quen sinh hoạt có lợi như tập thể dục, ăn uống. Ngoài ra, người làm việc văn phòng cần có biện pháp giảm tối thiểu các chất ô nhiễm như thông khí, trồng cây.


Cây lô hội trồng trong nhà như một biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí. Ảnh: energy.news.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét