Mặc dù là người Việt chính gốc nhưng không ít nghệ sĩ hiện nay lại rất sính ngoại khi lựa chọn cho mình những nghệ danh "nửa nạc, nửa mỡ", không giống ai.
Thường gặp nhất là những cái tên được ghép nửa Tây nửa ta như Noo Phước Thịnh , Wanbi Tuấn Anh, Nakun Nam Cường, Akira Phan, Nukan Trần Tùng Anh, Reno Bình, Hamlet Trương, Elly Trần, Angela Phương Trinh, Cường Seven…
Bên cạnh đó, không ít nghệ sĩ trẻ còn chọn cho mình những nghệ danh hoàn toàn “không đụng hàng” và dường như chỉ có ở Việt Nam như Midu , Chan Than San, Chi Pu, M.I.A… Hay “ngoại nhập” toàn tập như Sam, Kelly, Emily, Tim… Thậm chí có cả một nhóm nhạc đều mang tên ngoại như trường hợp của 365 band với Issac, Jun, Tronie, S.T và Will.
Nghệ danh đặc biệt của Noo Phước Thịnh bắt nguồn từ cái tên Noel mà ba mẹ
và cả gia đình vẫn gọi anh thời thơ ấu.
và cả gia đình vẫn gọi anh thời thơ ấu.
Giới nghệ sĩ underground (hoạt động nghệ thuật nhưng không đầu tư chuyên nghiệp, bài bản với những album đình đám) thì nhộn nhịp những cái tên tưởng chừng như… sao quốc tế như Kimmese, Suboi, Mr.A, Mr.T, Yanbi, Lil'Knight, Karik, JustaTee, Touliver, Young Uno, Andree, Kyo, Lil’ Shady…
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ đã ghi dấu ấn của mình trong làng giải trí khá lâu với những cái tên dễ gây lẫn lộn với ngôi sao làng Hoa ngữ như Lâm Chấn Huy, Nhật Tinh Anh, Châu Gia Kiệt, Quách Thành Danh, Khanh Chi Lâm, Lý Nhã Kỳ, Vĩnh Thuyên Kim…
Việc chọn nghệ danh tưởng như là vấn đề của cá nhân lại vấp phải sự phản ứng của khán giả. Với những khán giả ruột thì hẳn không có vấn đề, nhưng với số đông người Việt thì “trách” các nghệ sĩ sao “lai căng”, sính ngoại "ba rọi", ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ trên cương vị người của công chúng.
Người trong cuộc nói gì?
Trước sự phản ứng của khán giả, phóng viên đã tìm hiểu và được biết hầu hết những cái tên không thuần Việt của nghệ sĩ trẻ đều được sử dụng hoặc kết hợp từ những nickname mà họ thường xuyên giao tiếp trên cộng đồng mạng. Một vài nghệ sĩ cho biết, đó còn là những nickname “thân thương” mà khán giả hâm mộ dành tặng và thường xuyên dùng để gọi họ, vì vậy, họ sử dụng luôn vào nghệ danh của mình để dễ nhớ, dễ phân biệt. Đặc biệt hơn, như trường hợp của Noo Phước Thịnh (Nguyễn Phước Thịnh). Anh giải thích rằng chữ Noo trong tên mình là từ tên gọi ở nhà “Noel” do ba mẹ đặt, vì anh sinh vào cận ngày lễ Giáng Sinh, và anh sử dụng luôn vào nghệ danh của mình.
Còn Midu (Đặng Thị Mỹ Dung) hay Wanbi Tuấn Anh (Nguyễn Tuấn Anh) thì cho biết, nghệ danh của họ phát sinh từ tên gọi thân mật từ khi cả hai mới tập tễnh bước vào làng giải trí cách đây chừng 5-7 năm và gắn bó với họ cho đến nay. Hotboy Chan Than San với tên thật là Trần Thanh Sơn thì tiết lộ, cách đặt nghệ danh này là “chiêu bài” để giúp chàng người mẫu rộng đường tấn công vào làng giải trí nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc…
Đối với những nghệ sĩ underground, việc đặt những nghệ danh “không đụng hàng” là cách để tạo sự khác biệt về cá tính, nổi bật, cũng như nhấn mạnh thể loại - phong cách âm nhạc “đường phố” mà họ đang theo đuổi.
Không chỉ sở hữu nghệ danh nửa Tây nửa ta rất lạ tai, Angela Phương Trinh
còn được coi là "cô nàng lắm chiêu" của showbiz Việt.
còn được coi là "cô nàng lắm chiêu" của showbiz Việt.
Sức hút đâu phải chỉ cái tên
Về vấn đề xu hướng sử dụng tên ngoại hiện nay, Phó giáo sư Văn Như Cương (thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia) từng cho biết: “Với người Việt Nam, cái tên không chỉ là để gọi, để phân biệt người này với người khác mà còn chứa đựng biết bao sự mong muốn, sự kỳ vọng, và bản sắc của dân tộc. Tên nước ngoài nghe thì lạ tai, nhưng không thể hiện được cảm xúc, không tạo ra sự thân mật, gắn bó”.
Một nghệ sĩ có uy tín trong làng giải trí Việt Nam hiện nay có ý kiến, việc đặt nghệ danh đặc biệt, thậm chí là thêm tiếng nước ngoài, là cách để nghệ sĩ tạo sự khác biệt, đến gần hơn với công chúng cũng như khẳng định cá tính riêng của mình trên con đường nghệ thuật mà họ theo đuổi.
Cũng theo nghệ sĩ này, những cái tên “lạ” tạo nhiều màu sắc hơn cho làng giải trí, khiến mỗi nghệ sĩ luôn phải cố gắng đầu tư, nỗ lực để tìm kiếm và phát triển hơn nữa những yếu tố mới lạ trên con đường sự nghiệp của mình. Và cần có tiếng nói công bằng cho nghệ sĩ, đó là dù với nghệ danh gì đi nữa thì cũng không phủ nhận những đóng góp của họ cho thị trường giải trí Việt Nam những năm gần đây.
Dĩ nhiên, những cái tên không “thuần Việt” này ít nhiều cũng để lại một số vấn đề “lợi bất cập hại”, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ xem họ như là thần tượng. Tên ngoại có thể mang đến sức hút ban đầu nhờ cái lạ, nhưng chỉ sẽ là những cái tên “lạnh” nếu nghệ sĩ không phát huy, phấn đấu và tạo ra những sản phẩm để làm “nóng” mình. Bởi làng giải trí vẫn không thiếu những cái tên thuần Việt nhưng vẫn để lại “đẳng cấp” trong lòng công chúng bằng chính tài năng và nhân cách của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét