Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

“Bé 9 tuổi làm mẹ” đã vào lớp 5

Hoàng Thị Mũ không lớn thêm được mấy sau hơn 1 năm chúng tôi gặp, nhưng khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt sáng, miệng hay cười và đặc biệt là nghị lực trường kỳ chăm sóc hai em trong lúc bố vẫn suốt ngày say rượu thì vẫn vậy.

Trời thương em khổ

Hoàng Thị Mũ năm nay đã lên lớp 5. Cùng nhiều bạn khác, hôm nay em dậy sớm đến trường dự lễ cắt băng khánh thành ngôi trường mới. Em rất hợp khi mặc bộ trang phục của người Mông. Da trắng, mắt sáng, miệng tươi, mặt đẹp hôm nay lại được các cô phớt thêm tí son phấn (để diễn văn nghệ) nên Mũ trông càng nổi bật. Em là “ca sĩ” chính trong hai tiết mục múa hát chào mừng.

Giọng trong veo, ngân vút bên sườn núi trong buổi sáng lất phất mưa. Ơn trời, số em sớm vất vả thiệt thòi nhưng bù lại Trời phú cho em nhiều điểm nổi trội so với chúng bạn, mong sao em giữ được mãi để làm hành trang cho cuộc sống có thể không dễ dàng gì sau này.

                        Em Hoàng Thị Mũ cách đây hơn 1 năm

Trong buổi sáng ấy, em còn thay mặt các bạn bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà tài trợ đã xây cho các em ngôi trường mới khang trang. Em nhắc đến cái chết của mẹ, cơn khát sữa của em trai, những khoảnh khắc giữa đêm ba chị em nằm ôm nhau nhớ mẹ… Nước mắt em rơi trên tờ giấy khiến bao người lớn ngồi dưới phải quệt dòng nước mắt không thể cầm.

Tôi quay nhìn dòng sông Gâm đang lặng lờ chảy phía dưới, nơi vào tháng 7/2010 đã kéo hồn xác mẹ của Mũ cùng đứa em 4 tuổi về chốn phiêu linh quá sớm. Hôm nay, tại nơi mẹ em Mũ chết đuối, người ta đang xây cây cầu dây văng bắc qua sông. Vậy là cái chết của mẹ em, nỗi khổ ải mà ba chị em Mũ phải vượt qua cũng đã để lại những điều gì đó mang ý nghĩa tích cực, ít nhất là thức tỉnh nhân tình cho những người đang sống. Mai này các cô giáo qua sông dạy chữ sẽ không phải mạo hiểm tính mạng mình với chiếc mảng mỏng manh vào mùa lũ dữ nữa.

Em Bình biết đi rồi đấy!

Hôm ấy, bố Mũ – anh Hoàng A Páo cũng đến trường mới, nhưng bế cu Bình ngồi xem ở vòng ngoài, trên sườn đồi. Xong phần lễ lạt, tôi theo Mũ vào phòng dành riêng cho ba chị em có thể bán trú (dĩ nhiên các bạn khác cũng ở cùng được).

                      Em Mũ (phải) vui chơi cùng các bạn

“Cháu có ngủ ở đây không? – tôi hỏi. – Chỉ buổi trưa thôi, tối về nhà. – Tai cháu bị làm sao mà tím thế kia? – Bị bố cấu đấy. – Sao bố lại cấu? – Bố say rượu, cấu cả hai em nữa, đánh nữa. – Lần trước bố bảo bớt uống rượu mà? – Vẫn uống suốt, đi uống nợ ở các nơi nữa rồi về bảo cháu đem tiền đến trả. – Bố có giúp việc gì cho cháu không? – Chỉ lâu lâu bế em Bình thôi. – Ngoài lúc học, cháu phải làm những gì? – Cháu về phải kiếm củi, nấu cơm, xuống sông lấy nước. – Cô giáo bảo có nhiều hôm cháu đi học muộn đấy. – Sao vậy? – Sáng bố bắt nấu cơm xong cho bố đã mới được đi học. – Em Bình lại khóc nữa. – Hàng ngày, cháu dậy lúc mấy giờ? – Năm rưỡi ạ. – Cháu tự dậy à? – Cháu để đồng hồ.

- Năm ngoái kết quả học của cháu thế nào? – Cháu đạt học sinh tiên tiến. – Cháu về nhà có học thêm không? – Bố không bế em Bình thì cháu không học thêm được. – Lát cháu về nhà ăn cơm à? – Hết gạo rồi, về nấu ngô thôi. – Nấu thế nào? Xay ra rồi đổ nước vào nấu. Ai xay ngô cho cháu? – Cháu xay. Ai dạy cháu nấu? Mẹ”.

Cô Chương – người được nhà trường phân công sử dụng tiền Mũ được tài trợ vào việc cơm nước cho em, kể: “Tôi chỉ dám mua mỗi lần 5kg gạo thôi, vì mua nhiều nặng, cháu vừa cõng em, vừa xách gạo không được. Hơn nữa mua nhiều bố cháu lại đem bán. Ngay như bữa nay nè, chắc bố cháu lại xúc gạo đem đi bán rồi nên mới hết nhanh thế”.

Mũ bé bỏng trước mặt tôi nhưng tôi thấy em lớn quá. Ở cái tuổi ngũ thập, bao nỗi vất vả mình đã từng chịu đựng, vượt qua, liệu có là gì so với tấm thân mảnh mai bé nhỏ của cô học trò giữa miền sơn cước còn khá hoang dã này?

Mũ nói thêm: Hôm trước, cô Chương mua gạo, cháu bảo bố đem về trước. Đi học về cháu không thấy gạo đâu, chắc là bố đi uống rượu để gạo luôn ở đó. Hôm sau, bố lấy gạo về thì còn có một ít thôi”. Em thì cứ hồn nhiên kể, trả lời, tôi thì thấy sao lòng mình nặng thế. Lại chợt nghĩ đến xứ người.

Cha mẹ dẫu dứt ruột đẻ con ra nhưng không làm tròn bổn phận (mà ở xứ họ khái niệm bổn phận rõ ràng lắm, ví như không đủ tiền nuôi) thì các cơ quan bảo trợ hoặc nhà nước lập tức có biện pháp can thiệp. Ở đây thì 3 đứa trẻ phải sống với ông bố vô trách nhiệm, chỉ biết có rượu. Páo ơi là Páo!

Gấp bộ trang phục vào túi, mắt Mũ bỗng sáng lên nhìn tôi: Em Bình biết đi rồi đấy, sắp biết nói nữa. Lúc này thì tôi thực sự nghẹn lòng. Trong em đang là hai người. Một người mẹ tí hon vất vả chăm em-con mừng khôn xiết thấy ngày em-con chập chững biết đi. Một người chị chả hơn em là mấy tuổi mong ngóng ngày em cứng cáp biết đi để chị đỡ khổ cõng em ngày ngày xuống núi đi học lại vượt núi về nhà. Mũ bé bỏng trước mặt tôi nhưng tôi thấy em lớn quá. Ở cái tuổi ngũ thập, bao nỗi vất vả mình đã từng chịu đựng, vượt qua, liệu có là gì so với tấm thân mảnh mai bé nhỏ của cô học trò giữa miền sơn cước còn khá hoang dã này?

Mũ chạy ào ra đám bạn như con chim non nhập đàn. Tôi cứ thẫn người nhìn. Nắng hửng dần trên ngôi trường xóm núi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét