Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Cách phân biệt rượu ngoại thật giả dịp Tết

Ngoài việc kiểm tra kỹ tem nhập khẩu, nhãn của rượu, người tiêu dùng cũng nên xem kỹ phần nắp chai và màu sắc của rượu trong chai...

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng là dịp mà nhiều loại mặt hàng giả, trong đó có rượu ngoại giả được các đối tượng kinh doanh bất chính "bung" ra nhằm lừa đảo người tiêu dùng, thu lợi.

Thực tế, trong dịp cuối năm 2012 và đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã tiến hành triệt phá hàng loạt các cơ sở sản xuất rượu ngoại rởm, thu giữ, xử lý hàng chục ngàn lít rượu giả...

Tại hội nghị phổ biến quy định mới với hành vi kinh doanh rượu, thuốc lá giả, nhập lậu, mới được tổ chức vào ngày 25/1/2013 ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết rượu ngoại và thuốc lá lậu rất phổ biến tại thị trường Việt Nam.

Khách hàng cần quan sát, kiểm tra thật kỹ phần nhãn mác, tem nhập khẩu cũng như màu sắc bên trong của chai rượu.

Cũng theo con số được đại diện của Quản lý thị trường Hà Nội đưa ra thì, với rượu ngoại, có tới 60% tem rượu là tem giả và quay vòng. Điều đó cho thấy một số lượng lớn rượu ngoại được nhập lậu. Nhập lậu đã làm Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với rượu ngoại giả, đại diện cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, thực tế, các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu giả giờ đây sử dụng các thủ đoạn, cách làm rất tinh vi nên với những người tiêu dùng bình thường rất khó có thể phát hiện được đâu là thật, đâu là giả.

Còn theo chị Trần Phương Anh, một người có kinh nghiệm khá nhiều năm kinh doanh các loại rượu ngoại ở Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay, trên thị trường, rượu ngoại giả được chia ra làm hai loại chính.

"Một loại là làm giả 100%, tức là giả từ ruột, vỏ, tem, nhãn bên ngoài. Còn loại thứ hai là chỉ làm giả phần ruột rượu bên trong hay nói cách khác là pha chế các loại rượu khác nhau, kém chất lượng để cho vào còn vỏ thì sử dụng các chai, nắp rượu cũ đã qua sử dụng và tem giả nhằm đánh lừa khách hàng, kiếm lợi", chị Phương Anh cho hay.

Cũng theo chị Phương Anh, đối với loại rượu giả 100%, thường có nguồn gốc xuất xứ từ một số nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan và nhiều hơn cả là Trung Quốc.

"Chúng ta sẽ không thể mở chai ra thử để biết thật giả được mà với loại này cần phải xem thật kỹ phần tem nhập khẩu ở bên trên nắp chai và phần bao bì bên ngoài. Thông thường các tem và bao bì này thường không sắc, nét, đôi khi là mờ, dại hơn rất nhiều so với tem, bao bì thật. 

Cùng với đó, là xem màu sắc của chai rượu bên trong, nếu nó nhạt hoặc đậm, sẫm màu hơn chai xung quanh thì nên xem xét thật kỹ, vì có thể là rượu giả", chị Phương Anh nhấn mạnh.


Đối với loại rượu ngoại làm giả phần ruột, theo chị Phương Anh, cách đơn giản nhất chính là quan sát thật kỹ phần vỏ, nút của chai

"Các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật", chị Phương Anh nói.

Một lời khuyên cũng được anh Tuấn Anh (một chủ cửa hàng kinh doanh rượu ngoại ở Ba Đình, Hà Nội) đưa ra, đó là nên mua ở những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, uy tín.

"Thời buổi hiện nay thì không một cửa hàng bán có uy tín, chất lượng, chuyên bán rượu nào lại đi nhập rượu giả về bán cho khách, để sau khi khách uống xong quay lại để mắng cửa hàng cả mà chỉ có những cửa hàng bán theo kiểu chỉ cần khách đến một lần hoặc ham hố lãi lớn, nhỏ, lẻ... 

Nên khi đi mua rượu ngoại cần phải chọn cửa hàng có uy tín, tên tuổi và tốt hơn nhất là nếu mua loại rượu nào thì nên nhờ thêm một ai đó là người sành về loại rượu đó đi để xem giúp thì sẽ tránh mua phải hàng giả", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét