Sinh ra không nhìn thấy mặt người cha, người mẹ, những đứa trẻ mồ côi không có họ, không biết quê và chưa bao giờ có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Những ngày cuối năm, nhà nhà nô nức xuống phố đi sắm Tết, trẻ con háo hức chờ được nhận lì xì vào mồng 1 Tết…thì những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lai Châu lại không thể đón một cái Tết trọn vẹn.
Tết ấm áp với bố mẹ ở quê hương là điều gì đó xa xỉ, xa vời.
Những đứa trẻ ở Trung tâm Bảo trợ XH tỉnh Lai Châu háo hức khi được nhận kẹo.
Theo ông Nguyễn Kế Sanh Giám đốc Trung tâm thì hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng 98 cháu, trong đó có 44 trẻ mồ côi, 53 trẻ khuyết tật. Mỗi em được nhà nước hỗ trợ 360 nghìn đồng/ tháng, nhưng đời sống của các em vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
“Khoảng hơn 10 cháu do không còn gia đình, anh em nên không có điều kiện đón về quê ăn Tết, phải ở lại trung tâm. Ở đây, đa phần các cháu có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Nhiều cháu cả hai bố mẹ đều mất rồi bố mất, mẹ vượt biên sang biên giới hoặc có cháu bố mẹ phải đi tù vì buôn lậu ma túy nên gửi về trung tâm nuôi dưỡng, học tập”, ông Sanh cho biết thêm.
Gặp gỡ, trò chuyện với những đứa trẻ thiếu thốn nơi đây, tôi ngỡ ngàng và không khỏi xót xa khi nghe các em lắc đầu không biết khi tôi hỏi về họ tên đầy đủ, quê hương và bố mẹ em là người như thế nào, còn sống hay đã chết!
Không chỉ mình Chung (ngoài cùng bên trái) mà còn những đứa trẻ ở đây đều không biết bố mẹ chúng là ai, ở đâu.
Thấy có đoàn từ thiện đến, Chung không tỏ ra thẹn thùng mà chạy lại gần chìa đôi bàn tay lem luốc để xin kẹo. Vừa nhai ngấu nghiến như sợ bạn khác tranh mất, Chung vừa trả lời câu hỏi của tôi:
PV: Quê con ở đâu?
- Không biết.
PV: Bố mẹ con đâu?
- Chết rồi.
PV: Thế năm nay con ăn Tết ở đâu?
- Không biết.
Tôi sững người lại, nhìn vào đôi mắt em. Đôi mắt hồn nhiên nhưng lạnh lẽo. Lân la gặng hỏi một lúc, em mới từ từ thổ lộ rằng, em đã về ở trung tâm được hơn 1 năm nay, Chung không biết ai đã đặt tên cho mình mà chỉ biết rằng các mẹ và các bạn ở đây gọi là Chung.
Tôi kể, ở Hà Nội, các bạn thường được người lớn tặng lì xì tiền, được ăn bánh chưng, được mặc quần áo mới đi chơi Tết… Nhưng, hình như Chung không hào hứng lắm vì cậu chưa bao giờ được đón Tết cùng gia đình như thế!
PV: Con thích được tặng gì vào dịp Tết?
- Con thích ăn kẹo.
PV: Con không thích gì nữa à?
- Con không biết.
Còn Sanh (10 tuổi) đang học lớp 4 Trường Tiểu học Sàn Thang, Thị xã Lai Châu cũng lắc đầu trả lời “không biết” khi hỏi về bố mẹ, về quê. “Nhà con ở xa lắm. Không biết ở đâu. Anh con đưa con đến đây, đã lâu rồi anh không đến đón em về nhà”, cậu bé vô tư nói.
Kém may mắn hơn các bạn ở đấy, cậu bé Hoàng bị liệt ở chân, không đứng dậy đi được. Vật giúp Hoàng di chuyển từ nhà này sang nhà khác, để sinh hoạt là chiếc ghế tròn được làm bằng gỗ. Nặng nề dịch từng bước, Hoàng vẫn tươi cười nói: “Em đi được. Em tự về phòng được mà”.
Hoàng vừa ngồi trên chiếc ghế tròn gỗ và xoay để có thể bước đi.
Ước mơ của Hoàng là chân đi được để chạy nhảy, vui chơi cùng bạn bè. Hoàng không nghĩ đến Tết bởi đối với em Tết sẽ không có bố, có mẹ.
Năm nay Hoàng 12 tuổi, đang học lớp 6 Trường THCS Sàn Thang. Mặc dù ít tuổi, thân hình nhỏ nhắn nhưng Hoàng trông già dặn, trưởng thành hơn so với những đứa trẻ khác.
Hoàng kể rằng, bố bị tai nạn xe máy khi Hoàng còn nhỏ, từ lúc sinh ra cậu đã không thể đi được trên đôi chân của mình. Và rồi khi tôi hỏi về ước mơ, nụ cười Hoàng tắt vụt, buồn rầu nói nhỏ nhẹ: “Con chỉ ước mơ có thể đi lại được. Con ước đôi chân của con đứng lên được để vui chơi, chạy nhảy cùng bạn bè”.
Nhìn trong đôi mắt của Hoàng, của Chung và Sang, tôi thấy có điều gì lấp lánh - đó là khao khát được trở về mái ấm, được có bố, có mẹ chứ không phải là những bộ quần áo đẹp, màu sắc hay những viên kẹo ngọt.
Không biết đến Tết, không cầu mong được lì xì đỏ đầu năm, những đứa trẻ nơi xa xôi này có những ước mơ giản dị. Trong tiềm thức của chúng không hề có niềm vui đón Tết bởi không khí Tết ấm áp, sum vầy bên bố mẹ, anh chị em là điều quá xa vời.
Nguồn: soha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét