Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Con thương mẹ lắm, mẹ ơi!

“Cái cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”

Con đã viết rất nhiều, viết rất rất nhiều, nhưng chưa một lần viết về mẹ, có lẽ đây là lần đầu tiên con đặt bút viết về mẹ, viết lên dòng suy nghĩ của con dành cho người mẹ yêu quý nhất trên đời.

Mẹ! Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có bài viết này, nếu cơ quan con không phát động cuộc thi viết về hình ảnh người mẹ. Con không biết bắt đầu bài viết của mình từ đâu, khi trước mắt con, hình ảnh mẹ dường như quá diệu kỳ.


Mẹ sinh bốn chị em chúng con trong cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình mình thiếu thốn trăm bề, mẹ tần tảo sớm khuya, đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền về mua gạo nuôi chúng con cho qua ngày tháng, vì ăn uống thiếu thốn nên chúng con hay bệnh, cái nghèo đeo đuổi khiến đôi vai mẹ lại còn nặng gánh.

Ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng, mẹ đã dậy quảy đôi gánh đi khắp nơi bán nước tương để lo cái ăn cho cả nhà, lúc mẹ trở về nhà cũng là lúc tụi con chìm vào giấc ngủ, còn nhớ hồi đó, là con gái út trong nhà, nên thường được ngủ chung với mẹ, nửa đêm giật mình nghe tiếng lách cách của những đồng tiền xu mẹ đang ngồi đếm bên cạnh chiếc đèn dầu, từng đồng tiền xu được mẹ đếm đi đếm lại cùng những tiếng kêu của chúng hòa quyện vào dòng suy nghĩ của mẹ “ngày mai, sẽ phải mua gì trong số tiền ít ỏi này”? đắn đo rồi lại đắn đo! Đóng tiền học phí cho các con, hay đi chợ mua gạo? hay phải trả nợ cho bác Năm, bà Bảy…? Bao nhiêu câu hỏi lại dồn về với mẹ, mẹ lại thở dài, có mười đồng thôi sao? đúng là: “tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”… mẹ lại thở dài, làm con tỉnh giấc.

Suốt thời gian gánh nước tương đi khắp làng này đến xóm nọ nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình, mẹ thay đổi chiến thuật, hôm sau mẹ không gánh đi xa nữa, mà chỉ gánh ra chợ bán, tranh thủ một buổi về đi làm thuê cho người ta, ai kêu gì mẹ làm nấy không phiền hà bất cứ việc gì, từ cuốc mướn, làm vườn, gặt lúa đến khuâng vác, mẹ làm tất tần tật, miễn sao đổi công hoặc kiếm được tiền.


Quê mình hai mùa mưa nắng, mùa mưa, bất chấp tiết trời lạnh giá, cái lạnh miền trung như cắt da, cắt thịt, thế mà mẹ vẫn lủi thủi dầm mưa ở ngoài đồng. Thương cho mẹ quá, nhưng con biết phải làm sao, những cơn mưa nặng hạt kèm theo những tiếng gầm rú, sấm chớp, của tiết trời đông giá lạnh, con lại nơm nớp trong lòng không biết ngoài đồng mẹ có làm sao không? Lòng con lại đau như cắt. Ngày nào mẹ từ đồng trở về nhà cũng là lúc lên đèn, môi mẹ tím ngắt, mặt mẹ không còn chút máu vì lạnh buốt, đôi bàn tay, bàn chân mẹ vừa teo tóp vừa trắng bạch vì phải ngâm mình dưới nước, con lật đật nhóm lửa cho mẹ ngồi vào sưởi ấm, mẹ có lạnh lắm không? Con hỏi, mẹ cười bảo, có lạnh lẽo gì đâu, về nhà là ấm rồi, đời ba mẹ khổ nhiều nên giờ ráng làm mà lo cho các con, các con phải cố gắng học hành để kiếm cái chữ, mai này lớn lên không khổ như ba mẹ nữa là mẹ mãn nguyện rồi.

Hồi con học cấp ba, đó là giai đoạn mà mẹ khổ nhất phải không mẹ? Ba không may bị ngã bệnh, bao nhiêu thứ phải đổ hết lên đầu mẹ, nào việc trong nhà, ngoài đồng, cả những chuyện đời phải không với hàng xóm cũng một tay mẹ lo. Mấy chị em con điều trong cái tuổi ăn học, chẳng ai phụ giúp gì được cho mẹ cả, lại còn xin tiền mẹ đi học hàng ngày, để có tiền học phí cho chúng con mẹ phải làm cả ngày lẫn đêm, hàng ngày mẹ đi bưng gạch, bưng ngói cho người ta, cả ngày mẹ dãi dầu ngoài nắng, người mẹ gầy còm, mồ hôi nhễ nhại hòa lẫn mùi gạch ngói, mùi đất bùn của ruộng. Mẹ ạ ! Con hứa với mẹ là con phải cố gắng làm theo lời mẹ dạy, con phải ráng học thật giỏi để ba mẹ vui lòng.


Và rồi, hằng đêm con lại ước thời gian qua nhanh để có những ngày nghỉ cuối tuần đi làm cùng mẹ, nhưng con nào có ngày cuối tuần. Ngày cuối tuần đối với con là những ngày học nhóm, làm bài tập về nhà, đi lao động, trồng cây xanh sân trường… còn đâu thời gian phụ mẹ. Chưa kể, buổi tối mẹ còn nhận thêm đi tát nước ruộng cho nhà cô Nghi, mỗi một mùa cô trả công cho mẹ được ba ang lúa tính ra cũng được 30 kg. Mẹ đi làm dường như không còn nghĩ đến bản thân mình nữa, con khuyên mẹ làm ít lại, để đổ bệnh thì tụi con biết làm sao, mẹ nói: mẹ làm mãi cho đến hơi thở cuối cùng, có những ngày hè quê mình nắng bức, nước dưới sông cũng cạn khô, mẹ không có nước tát vào ruộng cho cô Nghi vào buổi tối, nên 3 giờ sáng hôm sau mẹ phải dậy thật sớm đó cũng là thời điểm mạch nước ngầm dưới sông ngấm ra để mẹ mới có nước mà tát, trời vừa hừng đông, mẹ lại trở về nhà lo cơm nước cho chúng con bắt đầu một ngày mới.

Ngày chúng con vào đại học, công việc ở quê không đáp ứng được chi phí cho việc học của mấy chị em, mẹ lại phải rời xa làng quê, xa luỹ tre làng từng gắn bó với đời mẹ để lên Thành phố mưu sinh đặng kiếm tiền lo cho các con tiếp tục con đường học vấn, mẹ lại tiếp tục rong ruổi khắp đường phố, con hẻm của thành phố xô bồ, nhộn nhịp. Ngày nào mẹ cũng tất bật với gánh hàng rong, ước mơ được một ngày nghỉ đối với mẹ thật xa vời.


Ba mươi mấy năm đã trôi qua, hễ có dịp mấy chị em con ngồi lại nhắc chuyện ngày xưa, về ba, về mẹ, về những tháng ngày cơ cực trong lòng mỗi người điều co thắt, cảm giác đau, buồn và hạnh phúc xen lẫn vào nhau trong từng đoạn chuyện của thời thơ ấu. Cuộc đời mẹ hi sinh tất cả cho chúng con, nên lúc nào con cũng cảm thấy có lỗi với mẹ. Nay mẹ đã bước vào tuổi xế chiều, mẹ không còn tần tảo mưa nắng ngoài đồng, nhưng mẹ cũng đâu có được cái thảnh thơi, lúc thì đến ở nhà chị Hai trông con cho chị đi làm, đến nay cháu đã biết đi học thì mẹ lại đến nhà thằng Út trông cháu nội, mẹ cứ như thế, cứ thức khuya dậy sớm, cả một đời vì cháu, vì con.

Nhưng mà mẹ vui vì nay các con đều trưởng thành, mẹ mua được cái chữ cho chúng con bằng mồ hôi và nước mắt, giờ tụi con có được chỗ đứng trong xã hội, có được cái ngành cái nghề nuôi sống bản thân, không như đời mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mẹ vẫn cười bảo: các con thành đạt là mẹ vui rồi! Ôi! Sao câu nói nhẹ nhàng, ước mơ giản dị của mẹ mà làm lòng con xốn xang khó tả, con muốn ôm mẹ thật chặt vào lòng và nói rằng “con không để mẹ khổ nữa mẹ ơi !”, con muốn tự mình chăm sóc mẹ, muốn tự mình nấu cho mẹ ăn những món ngon nhất, bổ dưỡng nhất mà con mới học được từ các cô, các chị đồng nghiệp trong cơ quan, hôm qua đi ngang quày sữa trong siêu thị, con giật mình dừng lại, mua cho mẹ hộp sữa Anlene vì biết xương mẹ yếu, cuối tuần con sẽ mang đến nhà thằng Út pha cho mẹ uống mẹ nhé!


Mẹ ơi! Thầy giáo con thường dạy “Công Cha như núi thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đối với cái nghĩa cái tình của mẹ, con không biết giấy bút nào viết hết những gì con muốn viết, những gì tận đáy lòng con đã mang theo mình mấy chục năm qua.

Giờ đây, càng nhìn dáng mẹ con mới hiểu vì sao các nhà văn, nhà thơ hay gắn hình ảnh người mẹ, người phụ nữ Việt Nam với thân cò lặn lội. Qua hình ảnh mẹ, con đã thấm thía và thấu hiểu rằng, người phụ nữ Việt Nam gan dạ, chịu thương chịu khó, biết hi sinh cuộc đời mình cho gia đình cho quê hương cho đất nước, biết nuôi hi vọng và tin vào ngày mai tươi sáng.

Mỗi ngày con càng muốn được nhìn mẹ thật lâu mà bất chợt thốt lên lời bài hát “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ? Biết gì ? Biết là, con thương mẹ lắm, mẹ ơi!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét