Chiếc xe chạy mãi cũng mệt, con người cũng thế, phải có lúc dừng chân. Nên tôi nghĩ Tết là dịp để chúng ta dừng công việc lại và làm nhiều thứ mình hay bỏ quên
Năm vừa qua, cái tên thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu xuất hiện liên tục trên các trang báo mạng với những lời tư vấn trong rất nhiều những tình huống trong các câu chuyện khác nhau. Năm qua có phải là một năm thành công đối với anh trong công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên?
Mình không dám nhận là thành công vì trong việc tham vấn tâm lý trên báo, thành công nghĩa là khi người đọc có sự thay đổi trong suy nghĩ, trong thái độ và từ đó thay đổi cách hành xử của mình. Cho nên xin phép được tạm gọi năm vừa qua là năm cố gắng gieo nhiều “hạt giống nhỏ”, còn việc nảy mầm thế nào trong lòng của các em học sinh sinh viên thì còn tùy thuộc vào các em nữa (cười).
Thầy giáo Nguyễn Khắc Hiếu
Anh có thể chia sẻ câu chuyện thú vị gì xung quanh những lần anh tư vấn tâm lý cho các bạn trẻ?
- Mỗi câu chuyện tham vấn giữa mình và các em đa số là những câu chuyện đau lòng. Niềm vui thú vị duy nhất của mình là khi nhìn thấy sự tiến bộ của học sinh, sự thay đổi của những em cá biệt, những lời cảm ơn chân tình của phụ huynh, là nụ cười hay cái thở nhẹ nhõm của người đối diện.
Còn những biến cố nho nhỏ như nhiều bạn trẻ tư vấn xong rồi muốn “kết bạn dài lâu”, học sinh hỏi những câu vô cùng “khó đỡ” hay tư vấn dưới…mưa đều là những kỷ niệm đáng nhớ.
Những bài học trong lớp học online hay những kinh nghiệm được chia sẻ trong những clip “tháo gỡ chuyện khó đỡ” của anh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các bạn trẻ. Trong năm mới anh chia sẻ những dự định gì để phát triển những hoạt động này?
- Đầu năm mới, mình đang làm hậu kỳ cho để chia sẻ cho các em học sinh THPT tập thứ 6 – Tháo gỡ chuyện khó đỡ - nói về Kỹ năng chọn “bạn đời” nhằm tháo gỡ 4 vấn đề khó đỡ nhất của giai đoạn chọn lựa nghề nghiệp.
Nối tiếp đó là các clip về chủ đề thoát hiểm như đối phó xin đểu, đối phó cướp dàn cảnh và cướp có hung khí. Mình cũng đang viết kịch bản cho một tập nói về Mẹ và một tập hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả cho học sinh sinh viên.
Bên cạnh đó, dự định lớn nhất trong năm tới là xuất bản quyển sách “Tháo gỡ chuyện khó gỡ” để có thể phổ biến những nội dung kỹ năng sống đến các bạn trẻ vùng sâu vùng xa, những bạn ít có khả năng tiếp cận internet.
Ký ức về Tết cổ truyền trong anh khi còn là một cậu bé thì như thế nào?
- Lúc tôi còn nhỏ, Tết vô cùng bình dị nhưng vô cùng đáng nhớ. Bởi ngày xưa, những sản phẩm dùng trong ngày Tết người ta tự làm chứ không mua như bây giờ.
Tôi đặc biệt nhớ những buổi…trèo hái dừa, về nạy cơm dừa ra thành miếng tam giác rồi xắt thành lát mỏng để mẹ làm mứt. Nhớ những lúc phụ ba nhổ cỏ quét lá dọn dẹp sân vườn, trồng hoa ngoài sân đón Tết.
Vào năm học lớp ba, tôi mua một cây pháo hoa có thể bắn cao hàng chục mét. Đó là năm mà nhà tôi…sém cháy vì bắn pháo hoa rớt trên nóc nhà.
Thuở nhỏ tôi cũng mua vài phong pháo để thi xem ai dám…cầm pháo trên tay lâu nhất trước khi pháo nổ. Kết quả là trên bắp chân của tôi vẫn còn một “vết sẹo nghịch dại” vì bị pháo rơi trúng chân. May mà bây giờ nhà nước không cho dùng pháo nữa rồi, nếu không thì pháo hoa hay pháo nổ mà vào tay trẻ con như tôi thì…đại họa (cười to).
Khung cảnh Tết quê mà bất kỳ ai đã trài qua đều không khỏi xúc động mỗi khi xuân về
- Đối với anh Tết cổ truyền có ý nghĩa như thế nào?
- Chiếc xe chạy mãi cũng mệt, con người cũng thế, phải có lúc dừng chân. Nên tôi nghĩ Tết là dịp để chúng ta dừng công việc lại và làm nhiều thứ mình hay bỏ quên:
Thứ nhất là dành thời gian hâm nóng các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình. Ngôi nhà đâu phải chỉ là nơi trú ẩn, ông bà ba mẹ đâu phải chỉ là người để dạ thưa.
Đó là thời gian mà con cháu tỏ lòng hiếu kính, để cùng về sum họp chung một tổ ấm, lúc đó tổ ấm mới thật sự là ấm nhất. Tết còn là dịp để bà con thắt chặt tình dòng họ, để bạn bè thân thiết hâm nóng tình cảm qua những buổi họp mặt, những món quà Tết biếu cho nhau.
Thứ hai, đôi khi cả năm tất bật với cuộc sống sẽ làm người ta bị “cuốn trôi theo dòng đời”. Tết là một khoảng lặng để người ta dừng lại, nghĩ về một năm đã qua, những gì được và mất. Để rồi cái gì cần cho qua thì cho qua, và giữ lại những điều cần giữ lại.
Vài tuần nghỉ ngơi để mà phác họa tấm bản đồ cho đường đi năm mới, để năm sau phát triển cao hơn, thành công hơn, hạnh phúc hơn năm trước. Tính cách thì trưởng thành trong bão táp còn trí tuệ thì trưởng thành trong tĩnh lặng mà (cười).
- Anh và gia đình đã chuẩn bị như thế nào để đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm và ý nghĩa?
Mình đã đón Tết cách đây… nửa tháng. Dù tại TP.HCM công việc cuối năm vẫn khá tất bật nhưng nửa tháng trước mình đã về cùng gia đình tại Bến Tre để… lặt hết những lá mai trong vườn.
Sau hai ngày vui vẻ “chiến đấu” với mấy chục gốc mai thì mình quay lại TP.HCM để làm việc tiếp. Khi còn cách Tết một tuần, mình dừng toàn bộ công việc và về hẳn với gia đình.
Năm nay, gia đình mình sẽ chọn chủ đề “hoa”. Tất cả các khoảng sân và một số nơi trong nhà sẽ được lấp đầy bằng những loài hoa màu sắc nhất mà gia đình đã ươm trồng từ sớm. Ngoài ra, mình đề nghị gia đình mình sẽ “quay về thời xưa”, tất cả các anh chị em trong nhà sẽ tự tay chế biến các món bánh mứt củ kiệu dưa hành với sự “chỉ đạo nghệ thuật” của mẹ. Đề nghị đó được tất cả các thành viên trong gia đình ủng hộ (cười).
- Theo anh, những việc gì được cho là thú vị nhất trong những ngày Tết?
Công việc chuẩn bị cho Tết là thú vị nhất. Đừng nghĩ rằng làm bánh mứt, trồng hoa, lặt mai, trang trí nhà cửa… là cực khổ đâu nhé.
Cái ngọt ngào trong ngày Tết không chỉ nằm ở dĩa mứt đã thành phẩm mà là ở giai đoạn cùng bắt tay nhau làm ra đĩa mứt đó. Thực ra, hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến mà là nằm ở đường đi.
Để Tết thú vị hơn, chúng ta nên nghĩ ra vài hoạt động mới mẻ cho gia đình. Năm nay, gia đình tôi sẽ lần đầu nấu bánh tét xuyên đêm.
Cảm giác các anh chị em trong nhà cùng ngồi ngoài sân đốt lửa quanh nồi bánh tét và trò chuyện với nhau về cuộc sống của mỗi người, hẳn sẽ rất thú vị đây! (cười)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét