Cứ nhìn lại những tấm hình và những lá thư cũ, lòng tôi lại se sắt buồn.
Khoảng xưa |
Tháng 7 mưa ngâu, người ta vẫn tin rằng đó là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ. Chuyện huyền thoại mà vẫn rất thật. Tháng 7 khác lạ với đất trời, và lòng người cũng bất chợt khác lạ...
Trong ca khúc “Ngày Đó Xa Rồi”, nhạc sĩ Tú Nhi đã tâm sự: “Xa nhau, đã cách xa rồi, ta đã xa cách lâu rồi. Thì thôi, em nhé dù thương yêu hay đau cũng thế thôi... Năm xưa tôi nhớ nơi này qua một đêm gió mưa nhiều, lời đau ta rót vào tim nhau trong mê biết nói sao...”.
Thế mà thấm thoát đã 20 năm em xa tôi. Cứ tưởng tôi đã quên em, nhưng không, vẫn có những lúc thực sự nghĩ về em, có lẽ vì tình yêu em dành cho tôi chân thật, tha thiết và hoàn toàn trong sáng. Cảm giác trong tôi rất thật và rất khó tả!
Ngày ấy, sau 4 năm yêu nhau tha thiết và chân thành, em đã xin phép ba và nói thật về mối tình giữa em và tôi. Em chưa cho gia đình biết có lẽ em đợi mãn tang mẹ. Nhưng buồn thay, ba em đã ngăn cấm và còn thẳng tay tát thẳng vào mặt em. Em bảo ba chưa bao giờ đánh em, thế mà… Và em khóc, nhưng chắc hẳn em không khóc vì đau thể lý. Thế là em phải trốn khỏi Cà Mau, lên Sài gòn ở khách sạn một tuần chờ đến ngày em trở về Utah (USA).
Tôi là người ít nói và luôn mặc cảm về hoàn cảnh tự lập đầy khó khăn của mình, còn em là con nhà giàu – ngày nay gọi là “đại gia”, có lẽ em hiểu lầm tôi là “kẻ vô tình”. Tôi không tự biện minh, nhưng thực ra lòng tôi giống như một dòng-sông-nhỏ-đầy-sóng-ngầm-rất-mạnh, dòng-sông-tôi-tĩnh-mà-động, Mỹ Khanh ơi!
Thời gian qua đi thì chẳng bao giờ trở lại, thậm chí nó cũng không hề nấn ná hoặc đứng lại chờ ai. Chuyện đã qua, nhắc lại cũng chỉ để mà “nhắc lại” mà thôi, nhưng nỗi buồn ấy vẫn sâu thẳm và vẫn mới nguyên, buồn đến nao lòng! Dù muốn hay không thì cũng đã 20 năm em xa tôi, không lời từ biệt, không lời giải thích, không lời biện hộ... Tất nhiên tôi vẫn không hiểu vì sao.
Lại một ngày tháng Bảy, tình cờ thấy lại xấp thư cũ của em với nét chữ vẫn xanh màu và đầy những lời yêu thương ngày ấy, đặc biệt là tấm hình em chụp với con chó, phía sau tấm hình em ghi: “Gửi về anh tất cả thương nhớ – Mỹ Khanh”. Những lá thư mặn nồng tình nghĩa, những lời chân chất đậm men yêu thương và nhung nhớ. Em kể: “Có những lúc em vừa lái xe vừa khóc vì nhớ anh. Đêm nào em cũng cầu nguyện cho anh. Cứ mở mắt ra là nhớ anh”. Tình cảm em dành cho tôi như vậy, thảo nào tôi vẫn còn nhớ em…
Cảm giác trong tôi rất thật và rất khó tả! |
Và rồi lòng tôi lại thấy xuyến xao lạ! Rất ngẫu nhiên, trời hôm nay lại mưa rả rích... Tôi lại có dịp viết được thêm một ca khúc. Thật lòng mà nói, thực sự nhờ em mà tôi đã có được nhiều loại tác phẩm – nhạc, thơ và văn. Lại định mệnh chăng?
Trở lại miền ký ức, tất cả như cuốn phim chiếu lại. Nhắc lại ngày xưa, tôi không hề có ý trách gì em, thật lòng tôi cũng chưa bao giờ trách em điều gì cả – dù chỉ trong ý nghĩ thoáng qua. Tôi viết ra đây chỉ là “tự giải thoát” hoặc “rêu rao đời mình” – theo cách nói của cố NS Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Ru Ta Ngậm Ngùi”. Chẳng bao giờ gặp nhau nữa, chắc chắn là thế, vậy mà có lúc tôi vẫn mơ hồ ước mong một ngày nào đó chúng ta gặp lại nhau, hoặc là một cú điện thoại, nhưng không có phép mầu nào xảy ra. Tôi biết đời mình không có được may mắn như những người khác, “kinh nghiệm xương máu” thấy vậy, từ thuở nhỏ tới bây giờ. Sự thật vẫn mãi là sự thật!
Nhưng gặp lại nhau để làm gì? Cũng chẳng để làm gì, mà chỉ để “xem dung nhan đó chứ bây giờ ra sao” (ca khúc “Trộm Nhìn Nhau” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng). Trái đất này có thực sự tròn không? Mơ hồ và viển vông quá chăng? Có lẽ tâm hồn nghệ sĩ là vậy. Lãng mạn nhưng chắc chắn không lãng xẹt! Em có bao giờ chợt nhớ về ngày xưa?
Độc hành và loanh quanh giữa cuộc đời như một định mệnh đã an bài, không ai muốn, mà có muốn khác cũng không thể được. Tôi soi bóng mình trong bóng nắng, tôi tìm bóng mình trong bóng đêm, tôi dõi lòng mình qua ký ức, tôi rượt đuổi bóng mình trong hiện tại mà không sao bắt được, tôi muốn khám phá bóng mình trong tương lai. Tôi là ai mà còn trần tục quá? Tôi là hạt bụi nào mà sao quá vô duyên? Tôi đi, bóng đi. Tôi chạy, bóng chạy. Tôi mệt, bóng nghỉ. Nỗi buồn cứ âm thầm đục khoét tim tôi, tình xưa như khối u di căn không hết!
Cứ nhìn lại những tấm hình và những lá thư cũ, lòng tôi lại se sắt buồn. Có khi buột miệng gọi: “Khanh ơi!”. Nhưng dù sao cũng đã lỡ cung đàn rồi! Như trong ca khúc “Chuyện Tình Lan và Điệp”, hai nhạc sĩ Mạc Phong Linh và Lê Minh Bằng viết: “Lỡ một cung đàn, phải chăng tình mình là vòng dây oan trái?”. Nó vô tình trở thành một định mệnh buồn, như nhà soạn nhạc Beethoven đã soạn bản “Định Mệnh” vậy!
Mùa Hè đi, rồi mùa Thu lại, tiếp nối là mùa Đông, rồi sang Xuân. Tứ thời, bát tiết cứ luân phiên theo chu kỳ của thiên nhiên. Tạo Hóa đã sắp xếp như vậy. Còn định mệnh? Chẳng ai biết chính xác: “Không phải tại em cũng không phải tại anh, tại trời xui khiến nên chúng mình thương nhau… Không phải tại em cũng không phải tại anh, tại đời đen trắng nên chúng mình xa nhau…” (ca khúc “Không Phải Tại Chúng Mình” của nhạc sĩ Ngọc Văn phổ thơ Thương Linh).
Quá khứ hóa thành kỷ niệm: Kỷ niệm vui là kỷ niệm buồn, kỷ niệm buồn là kỷ niệm buồn hơn! Em thích màu tím, phải chăng đó là “điềm báo” về một nỗi nhớ sắc tím? Dù sao cũng đã có một thời là của nhau, nghĩa là bây giờ chỉ còn trong miền-ký-ức-tình-yêu xưa xa, và mãi mãi chỉ còn là cố nhân.
Có lúc tôi cứ miên man nghĩ và tự vấn: “Cô gái Cà Mau bây giờ là dân xứ Utah, hiện nay ra sao?”. Tất cả đã là quá khứ. Nhưng tất cả vẫn mãi “đọng lại” trong bút danh Kha Đông Anh (Khanh = Kha + Anh, chèn Đông vào giữa) như một định mệnh giữa tôi và em – người mà ngày xưa tôi gọi bằng nickname “Cô Bé Lộn Xộn”. Lộn xộn hết trơn rồi! Let bygones be bygones! Cầu mong người luôn được bình an và hạnh phúc…
Nguồn: 24h
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét