Từ ngày về làm dâu, mẹ chồng luôn tỏ ý khinh miệt, kỳ thị tôi là cô gái nhà quê.
Nỗi sầu làm dâu thành phố |
Tôi vừa về đến đầu làng, đám trẻ con đã reo hò, mừng rỡ đón đầu để tranh nhau nhận quà. Cũng đã nửa năm sau khi lấy chồng Hà Nội, tôi mới trở lại làng quê yêu dấu nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi mỗi khi vui buồn, tôi lại ở bên cạnh con sông quê hiền hòa, ấm áp. Nửa năm – quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn đủ để cho tôi có thời gian trở về nơi của ngày xưa ấy, ngây thơ, quê mùa nhưng sống trong tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, tình làng, nghĩa xóm.
Lấy chồng nơi xứ người, sự lạnh nhạt, bạc bẽo xen lẫn sự khinh bỉ của mẹ chồng khiến tôi cảm thấy ớn lạnh, ghê sợ địa ngục mà tôi đang phải trải qua.
Tôi quen anh từ thời còn là sinh viên làm part time ở một quán cà phê. Chẳng biết anh để ý tôi từ lúc nào, chỉ biết rằng cứ những hôm nào tôi đi làm thêm là y như rằng anh có mặt để yêu cầu tôi phục vụ. Mãi về sau này tôi mới biết, cửa hàng trưởng của tôi là bạn anh và đã bí mật cung cấp thông tin, làm nội gián cho anh để chinh phục tôi. Tình yêu của tôi đến với anh không chút vụ lợi, tự nhiên và vô cùng trong sáng.
Khi tôi và anh quyết định đến với nhau, mẹ anh phản đối dữ dội vì nghĩ rằng quê tôi quá xa và mục đích mà tôi bấu víu lấy anh là để lấy chỗ bám trụ ở Hà Nội. Tôi không biết giải thích ra sao, cũng chẳng muốn biện minh cho những lời lẽ mà mẹ anh dành cho tôi bởi tôi thuộc típ người không xu nịnh, và đặc biệt từ trong trái tim, tôi yêu anh sâu sắc, thật lòng, không chút vụ lợi.
Giờ đây, tôi mới cảm nhận được nỗi đau của phận làm dâu xứ người |
Sau bao nhiêu đấu tranh cho một tình yêu cao đẹp, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với nhau, nên vợ nên chồng. Những tưởng rằng cuộc sống gia đình sẽ trở nên ấm êm, tình cảm mẹ chồng – nàng dâu được vun đắp dần theo thời gian nhưng tôi đã hoàn toàn sai lầm. Khi tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi luôn luôn tỏ ý khinh miệt, kỳ thị gái quê như tôi. Bà chê tôi từ cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện cho tới những món ăn tôi nấu khó nuốt. Tôi có cảm giác như mẹ chồng tôi luôn tìm mọi cách, mọi nơi, mọi lúc để hạ bệ tôi trước chỗ đông người.
Mẹ chồng tôi có cửa hàng ăn sáng và thuê người làm. Từ ngày tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi không mướn người nữa mà tôi nghiễm nhiên bị thay thế chân giúp việc ở quán suốt từ 4 giờ sáng cho tới tận 7 giờ sáng, tôi mới được về đi làm ở công ty. Ngày nào tôi cũng tất bật hết việc này đến việc khác, vậy mà trước mặt khách hàng, mẹ chồng vẫn mắng tôi xơi xơi, chậm chạp, lười biếng. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và cám cảnh cho cuộc sống tối tăm, địa ngục khi phải làm con dâu bà.
Chồng tôi trước đây rất yêu tôi nhưng khi nghe mẹ kể xấu về tôi quá nhiều, anh đâm chán nản, cáu bẳn và cũng chỉ chờ tôi sơ suất ở đâu là bắt bẻ ở đó. Anh làm tôi thấy mất hết niềm tin vào tình yêu, tình vợ chồng bởi lẽ khi tôi đến bên anh, chỉ anh là người thân duy nhất của tôi ở Hà Nội. Tôi cảm thấy trơ trọi, cô đơn, xấu hổ với tư cách là một nàng dâu “thành phố” mà mỗi lần về quê, đám trẻ con lại mừng rỡ đón đầu.
Chỉ có về quê, hít hà thật sâu cái không khí trong lành, mát mẻ, bỏ hết muộn phiền, khổ đau của thân gái làm dâu xứ người mới thấy cuộc sống trở nên có nghĩa, và ấm áp tình người.
Gấp đồ đạc, tôi nằm cạnh mẹ tỉ tê đêm cuối trước khi lên Hà Nội đông đúc, ồn ào, nhạt nhẽo. Mẹ vuốt mái tóc tôi, truyền cho tôi hơi ấm của tình yêu thương, động viên, cổ vũ tôi bước tiếp trên con đường mà tôi đã lựa chọn và bắt buộc phải thích nghi.
Đêm khuya, tiếng ếch nhái kêu chan chát ngoài đồng, nằm cạnh mẹ mà những giọt nước mắt tủi thân cứ đầm đìa ướt gối. Ngày mai, tôi lại phải trở về làm dâu xứ người.
Nguồn: 24h
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét