Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Bị cướp vì tội... khoe của!?

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp phạm tội, nạn nhân đóng vai trò quan trọng trong cơ chế làm phát sinh tội phạm, như nạn nhân có hành vi khoe khoang tài sản hay có nhiều sơ hở trong quản lý tài sản...
Từ đó các nhà tội phạm học hiểu ra rằng sẽ không thể giải thích nguyên nhân phạm tội một cách đầy đủ, nếu bỏ qua việc nghiên cứu yếu tố nạn nhân của tội phạm.

TS Nguyễn Minh Đức (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm- Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, theo lý luận của Tội phạm học, việc nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tội phạm là một vấn đề rất phức tạp và phải giải quyết nhiều nội dung đó là: việc hình thành cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội; các yếu tố tác động đến sự hình thành nhân cách sai lệch (những phẩm chất cá nhân tiêu cực); tình huống và vai trò của tình huống trong một vụ phạm tội cụ thể; yếu tố nạn nhân và vai trò của nó trong một vụ phạm tội cụ thể.

Với cách tiếp cận này, có thể khẳng định rằng: nguyên nhân điều kiện của tội phạm cụ thể là những nhân tố xã hội thuộc về cá nhân và những tình huống môi trường bên ngoài trong sự tác động lẫn nhau của chúng quyết định sự hình thành động cơ và sự quyết tâm thực hiện tội phạm. Từ lập luận trên cho thấy yếu tố nạn nhân trong một vụ phạm tội cũng là một vấn đề lớn, phức tạp tạo nên một phần kết quả nghiên cứu về nguyên nhân, điều kiện của một vụ phạm tội cụ thể. Nghiên cứu đầy đủ các đặc điểm chung của nạn nhân, các nhóm nạn nhân và quy luật trở thành nạn nhân của tội phạm trong xã hội, sẽ giúp cho việc dự báo những nhóm người nào có thể trở thành nạn nhân của tội phạm và nguyên nhân, điều kiện tình hình tội phạm có liên quan đến tình hình nạn nhân.


Cũng theo TS Nguyễn Minh Đức, một thời kỳ dài trong lịch sử nghiên cứu Tội phạm học, yếu tố nạn nhân của tội phạm nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng không được coi là một chủ đề quan trọng. Các nhà tội phạm học chỉ quan tâm nghiên cứu người phạm tội khi giải thích nguyên nhân phạm tội. Còn nạn nhân của tội phạm chỉ được quan niệm là những người tiếp nhận tội phạm một cách thụ động. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp phạm tội, nạn nhân đóng vai trò quan trọng trong cơ chế làm phát sinh tội phạm, như nạn nhân có hành vi khoe khoang tài sản hay có nhiều sơ hở trong quản lý tài sản... Từ đó các nhà tội phạm học hiểu ra rằng sẽ không thể giải thích nguyên nhân phạm tội một cách đầy đủ, nếu bỏ qua việc nghiên cứu yếu tố nạn nhân của tội phạm. Với ý nghĩa đó việc nghiên cứu đầy đủ, toàn diện vấn đề yếu tố nạn nhân của tội phạm cướp tài sản sẽ giải quyết nhiều vấn đề nhận thức lý luận và thực tiễn trong phòng ngừa tội phạm cướp tài sản.

Hai hình thức biểu hiện

Tội phạm học đã chỉ ra hai hình thức biểu hiện cơ bản từ yếu tố nạn nhân của tội phạm cướp tài sản: Thứ nhất là yếu tố nạn nhân thường xảy ra trước khi có hành vi phạm tội, nghĩa là trong giai đoạn đối tượng đánh giá tình huống để từ đó lựa chọn và quyết định cách xử sự. Yếu tố nạn nhân có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tình huống tội phạm cụ thể bởi hoạt động một lần hoặc có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong những tình huống tương tự;

Thứ hai, yếu tố nạn nhân thường được biểu hiện dưới các dạng như: khả năng kiểm soát tình huống xung quanh kém, dạng biểu hiện này thường rơi vào những người có khuyết tật về giác quan hoặc đang ở trong tình trạng say xỉn; hoặc nạn nhân sơ ý cẩu thả với sự an toàn về tài sản của mình hoặc bản thân nạn nhân có những hành vi thái quá, khoe khoang tài sản hoặc hành vi trái pháp luật. Đối với các vụ phạm tội cướp tài sản thì yếu tố nạn nhân trong một vụ phạm tội cụ thể cần phải được nghiên cứu tỷ mỷ, bởi nó sẽ góp phần hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa loại tội phạm này một cách toàn diện cũng như giúp cho việc điều tra khám phá vụ án nhanh chóng.

TS Nguyễn Minh Đức cho rằng, muốn nghiên cứu và đánh giá chính xác về yếu tố nạn nhân trong các vụ phạm tội cướp tài sản với tư cách là một trong những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm này, cần thiết phải làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản:

Một là, cần phải có những khảo sát, thống kê tình hình nạn nhân trong các vụ phạm tội cướp tài sản và những loại thiệt hại, mức độ thiệt hại của nạn nhân. Trong Tội phạm học, tình hình tội phạm là hiện tượng đầu tiên thuộc đối tượng nghiên cứu của khoa học này. Nó được xem xét ở tất cả các khía cạnh số lượng, tính chất của tội phạm, người phạm tội và cả những thiệt hại do tội phạm gây ra. Tình hình nạn nhân của tội phạm là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá tình hình tội phạm. Do đó nghiên cứu tình hình nạn nhân của tội phạm cướp tài sản góp phần làm rõ hơn đặc điểm, tính chất của tình hình tội phạm cướp tài sản.

Đồng thời, cũng thông qua nghiên cứu tình hình nạn nhân có thể đánh giá được tình trạng tội phạm ẩn tội phạm cướp tài sản trong xã hội. Bởi vì trong số các lý do dẫn đến tội phạm ẩn có vai trò của nạn nhân, ví dụ nạn nhân không biết có tội phạm gây thiệt hại cho mình, không muốn tố giác vì nhiều lý do khác nhau, như do tài sản mất không lớn, sợ phiền hà, sợ bị trả thù hoặc không tin tưởng vào sự điều tra làm rõ của cơ quan Công an. So sánh các chỉ số giữa tội phạm được phát hiện và chỉ số nạn nhân, cùng với các thông tin điều tra về nạn nhân và các yếu tố khác sẽ phán đoán được phần nào tình trạng ẩn của tội phạm. Như vậy, kết quả nghiên cứu về tình hình nạn nhân trong các vụ án cướp tài sản sẽ góp phần phản ánh đầy đủ hơn về toàn cảnh bức tranh tình hình tội phạm cướp tài sản.

Hai là, cần nghiên cứu về nguyên nhân và điều kiện phạm tội từ phía nạn nhân của tội phạm cướp tài sản. Ở mức độ nghiên cứu tổng quát, thì tình hình tội phạm cướp tài sản là một hiện tượng xã hội tiêu cực, hiện tượng này có nguyên nhân và điều kiện từ những hiện tượng xã hội tiêu cực khác, trong đó một phần xuất phát từ chính nạn nhân của tội phạm này. Ví dụ, tình trạng có nhiều nạn nhân mất cảnh giác trong quản lý tài sản, sĩ diện khoe khoang của cải, không có thói quen tố giác tội phạm, có trình độ học vấn thấp, thích lối sống buông thả,... nếu trong xã hội còn nhiều người, kể cả những người từng là nạn nhân của tội phạm cướp tài sản có đặc điểm như vậy chắc chắn sẽ góp phần làm phát sinh, tồn tại tình hình tội phạm cướp tài sản. Ở mức độ nghiên cứu một vụ phạm tội cướp tài sản cụ thể, việc nghiên cứu nguyên nhân của tội phạm cùng với việc phân tích cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội cướp tài sản, cần phải làm sáng tỏ yếu tố nạn nhân tham gia vào cơ chế hành vi phạm tội với tư cách là những nguyên nhân và điều kiện của tội phạm. Những kết quả nghiên cứu yếu tố nạn nhân của tội phạm trong các vụ án cướp tài sản như vậy sẽ góp phần giải thích đầy đủ hơn các nguyên nhân và điều kiện phạm tội cướp tài sản, từ đó định hướng đúng cho công tác phòng ngừa tội phạm cướp tài sản.

Ba là, nghiên cứu về các biện pháp phòng ngừa tội phạm từ phía nạn nhân của tội phạm cướp tài sản. Phòng ngừa tình hình tội phạm được tiến hành bằng một hệ thống các biện pháp, tác động lên nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng và ở nhiều mức độ, đây là nội dung nghiên cứu cơ bản trong nghiên cứu lý luận phòng ngừa tội phạm cướp tài sản. Nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa khả năng một người trở thành nạn nhân của tội phạm, đó cũng chính là những biện pháp phòng ngừa tội phạm từ phía nạn nhân. Thực tiễn phòng, chống tội phạm cướp tài sản ở nước ta thời gian qua cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật nhiều địa phương có rất ít dành sự quan tâm hướng dẫn cách thức phòng ngừa tội phạm cướp từ nạn nhân của tội phạm, một trong những lý do là còn có những hạn chế nhất định về mặt nhận thức đối với yếu tố nạn nhân của tội phạm. Cho nên, trong thời gian tới các cơ quan bảo vệ pháp luật cần chú ý hơn vấn đề này nhằm loại bớt những nguyên nhân điều kiện của tội phạm từ phía nạn nhân, có như vậy mới có thể giảm bớt gánh nặng từ phía các cơ quan chức năng mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất của công tác phòng ngừa tội phạm cướp tài sản ở nước ta.

Phương pháp xử lý

Trên cơ sở phân tích trên, trong lĩnh vực phòng ngừa tội phạm cướp tài sản thời gian tới các cơ quan chức năng cần xây dựng và đề xuất phương án và biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản theo hướng các sau:

- Nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa tội phạm riêng cho những người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm cướp tài sản hoặc lồng ghép với các biện pháp phòng ngừa khác làm trượt tiêu khả năng điều kiện của tội phạm cướp tài sản.

- Các biện pháp giáo dục người dân có nhận thức đúng, tôn trọng quy tắc an toàn của cuộc sống, bảo vệ tài sản, tố giác tội phạm để loại trừ các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm cướp tài sản từ phía nạn nhân.

- Biện pháp giúp nạn nhân chống trả tích cực khi có hành vi tấn công của đối tượng phạm tội cướp tài sản xâm hại đến khách thể là tính mạng, sức khỏe (thân thể của mình, của những người xung quanh), quyền sở hữu hợp pháp tài sản của mình và của người khác mà không quá thụ động.

- Bảo vệ nạn nhân khi bị tội phạm cướp tài sản xâm hại, khi tham gia tố tụng và sau khi chấm dứt quá trình tố tụng nhằm tránh những thương tổn nhiều lần cho nạn nhân, tránh sự trả thù của người phạm tội, đặc biệt là đối với những nạn nhân dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ. Đồng thời nghiên cứu thành lập những tổ chức tư vấn cho nạn nhân, giúp đỡ nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội, có như vậy mới động viên nạn nhân và những người có liên quan tham gia tố giác tội phạm.

- Ghi nhận trong pháp luật biện pháp đền bù thiệt hại (tinh thần, thể chất, tài sản) cho nạn nhân trong các vụ án cướp tài sản. Ngoài biện pháp bồi thường cho nạn nhân từ phía người phạm tội theo quy định của Bộ luật Dân sự, còn phải nghiên cứu việc bù đắp thiệt hại cho nạn nhân từ nguồn quỹ quốc gia. Biện pháp này nhằm chia sẻ những tổn thất, rủi ro mà nạn nhân phải gánh chịu, đặc biệt trong trường hợp xác định được nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, nhưng không xác định được người phạm tội hoặc người phạm tội không có khả năng bồi thường.

Như vậy, khi nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện tội phạm cướp tài sản đòi hỏi phải nghiên cứu cả nguyên nhân thuộc về yếu tố nạn nhân, có như vậy mới đánh giá được một cách toàn diện, khách quan về nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm cướp tài sản, để từ đó xây dựng kế hoạch phòng ngừa hiệu quả sát hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Theo Trúc Dân (VnMedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét