Hai người trong gia đình đã phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, hoa mắt và buồn nôn sau khi ăn món dưa ghém làm từ su hào. Trong khi đó, sau khi ăn lá su hào, cả đàn thỏ con hơn 1 tháng tuổi cũng lăn ra chết.
Vào khoảng 16 giờ ngày 10/2, anh Nguyễn Văn T và con trai là Nguyễn Văn M (trú tại xã Thiệu Nguyên, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Ba Chè (huyện Thiệu Hóa) để cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn.
Tại đây, hai bố con anh T được các bác sĩ xác định là do ngộ độc thực phẩm.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, sau khi các bác sĩ tiến hành các biện pháp nhằm giải độc như thau ruột, truyền tiếp nước, hai cha con anh T đã qua cơn nguy kịch và được người thân đưa về nhà.
Chị H, vợ anh T cho biết, trước khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nói trên, hai cha con anh T có ăn món “dưa ghém” do chị làm từ su hào.
Củ su hào mà chị H mua (bên tay trái) có kích thước to gấp 2 - 3 lần so với củ su hào loại thường (Ảnh: do gia đình cung cấp).
“Hôm sáng 29 Tết tôi đi chợ, thấy người ta bày bán su hào rất nhiều, củ lại to hơn củ su hào loại bình thường, giá lại khá rẻ nên tôi đã mua về làm món ‘dưa ghém’ để ăn. Ai dè ăn vào lại xảy ra chuyện đáng tiếc như vừa rồi”, chị H nói.
Chị H cho biết loại su hào chị mua có kích thước to gấp 2 đến 3 lần các củ su hào loại bình thường mà chị vẫn mua. Khi hỏi thì người bán bảo đây là giống… su hào lai, loại mới, năng suất cao. Không chỉ chị H mà rất nhiều người đã mua loại su hào này về ăn.
Cũng theo chị H, sau khi mua về, chị đã đem lá và vỏ củ su hào làm thức ăn cho bầy thỏ. Tuy nhiên, khi ăn xong, khoảng 3 tiếng đồng hồ sau đó thì cả đàn thỏ con 15 con hơn 1 tháng tuổi của gia đình chị đã lăn ra chết.
“Lúc này tôi không nghĩ đàn thỏ chết là do ăn phải vỏ và lá su hào nhiễm độc, mà nghĩ do ăn phải sâu hoặc nước sương sớm nên đau bụng và chết. Tuy nhiên, đến chiều ngày hôm sau thì chồng và con trai tôi đã phải nhập viện sau khi ăn món ‘dưa ghém’ làm từ su hào này thì tôi mới tin chắc là su hào đã bị nhiễm độc các loại thuốc hóa chất”, chị H cho biết.
Cùng ngày, trao đổi nhanh với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo: Vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường rau xanh có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất.
Nắm bắt cơ hội này, một số người trồng rau đã sử dụng các biện pháp nhằm tăng cường, kích thích thời gian sinh trưởng cho các loại rau củ quả, thậm chí cả việc sử dụng các loại hóa chất và thuốc kích thích để rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng năng suất cho rau nhanh tốt để bán ra thị trường vì đang ‘được giá’.
Chính vì vậy, nhiều loại rau củ quả có chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng sau khi ăn.
“Nên mua những loại rau của quả ở những chỗ quen biết, hoặc biết rõ về nguồn gốc xuất xứ. Tuyệt đối không mua những loại ra củ quả có màu sắc, kích thước và mùi vị khác thường so với những loại rau củ quả hay bày bán thường ngày, vì rất có thể đây là những sản phẩm có sử dụng hóa chất độc hại”, ông Hùng khuyến cáo.
Nguồn: theo TTVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét