Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Quay lại để bắt đầu

Giữa nắng nóng như đổ lửa, nhìn mặt nhau chỉ muốn cãi nhau thế này Nguyên nhận được một lá thư mời họp lớp. Lá thư khiến nhiệt độ xung quanh Nguyên tăng lên một lèo gần chục độ, nói tóm lại là Nguyên suýt chết ngốt. Lúc nào cũng phải họp, không họp thì đại hội, hội thảo này nọ. Công việc như thế đã thấy ngán ngẩm lắm rồi, nay lại nghe họp lớp. Nguyên chỉ nghe nói đến họp lớp vào dịp đầu năm mới chứ có nghe nói họp lớp vào giữa mùa Hè thế này đâu. Mà cũng có thể, vì Nguyên không giữ được liên lạc với những người bạn cũ, chỉ nghe phong phanh rằng người ấy người nọ rồi thôi. Mùa Hè này đã là mùa Hè thứ mười.
Quay lại để bắt đầu
Quay lại để bắt đầu
Bảo gọi, nói có công việc đột xuất không đến được như đã hẹn, tự dưng Nguyên thấy bực mình dù không phải là lần đầu Bảo sai hẹn. Bực thì cứ bực, vậy thôi. Có lần Nguyên thấy Bảo chở một cô gái xinh lắm, còn trẻ. Hai người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ lắm, đến nỗi Nguyên đi bên cạnh suốt một đoạn đường mà Bảo không phát hiện. Nhiều lúc Nguyên có linh cảm, dù lờ mờ rồi tự ru mình rằng không phải thế. Nhiều lúc chặc lưỡi bảo hay là thôi, lại giật mình. Hai mươi tám tuổi, làm lại liệu có muộn không. Cứ dùng dằng, lại bảo kệ, đến đâu hay đến đó.

Không ngờ lá thư bé bỏng ấy có thể làm Nguyên bận tâm, sau giờ ăn trưa. Nguyên không kìm được, mở thư. Chẳng phải của lớp trưởng, lớp phó ngày xưa mà là của thầy giáo. Hơ, thầy giáo lại đi khởi xướng chuyện họp lớp, kể cũng hơi lạ. Có thể vì thầy giáo còn trẻ, mà khi còn trẻ người ta thường nghĩ ra khối thứ hay ho và không hay ho, còn trẻ mà.

Khi ấy, nghĩa là cách đây mười năm, Nguyên là học trò cuối cấp còn thầy mới ra trường. Cô giáo chủ nhiệm của Nguyên khi ấy mới mất do bệnh phổi, còn hai tháng nữa ra trường mà người cầm trịch lại đột ngột ra đi. May sao thầy về, chưa có một chút kinh nghiệm nào nhưng cũng được làm chủ nhiệm lớp, chủ nhiệm những người chỉ kém mình bốn, năm tuổi. Cũng may mà mọi chuyện đều ổn, trên lý thuyết. Thì làm gì có thời gian để mà không ổn.

Khi ấy bọn học trò đang nháo nhác cho những ngày cuối cùng, nói cho đúng là không kịp làm gì dù ông thầy mới trong mắt bọn Nguyên khi ấy trông ngáo vô cùng.

Trong thư ghi rõ “xin vui lòng liên lạc theo số điện thoại...”, tính bấm máy nhưng Nguyên quyết định thôi. Nguyên đang ở cách quê nhà cả nghìn cây số, có muốn cũng chẳng thể về góp mặt. Thì thôi, chín năm trước không có Nguyên, năm thứ mười thiếu Nguyên chắc cũng chẳng bận gì, chắc chẳng ai nhớ mà nhắc. Có khi không ai nhớ trong lớp có một người tên là Nguyên cũng nên.

Về nhà, Nguyên không hiểu sao lại mang theo lá thư mời họp lớp, nó như một cơn mưa nhẹ đến vào giữa tháng nắng nóng của xứ sở phương Nam này. Nguyên đã ngắm nó rất lâu mà không chán mắt, hình như suốt cả buổi tối. Rồi Nguyên quyết định gọi. Đầu dây bên kia nhấc máy ngay loạt chuông thứ hai như đang đợi Nguyên gọi đến. Nguyên đâm lúng túng, không biết nên và định nói gì. Nguyên chưa chuẩn bị gì cho tình huống này. Trong một thoáng Nguyên nhớ đến Liên, cô bạn ngồi cạnh suốt ba năm cấp ba, hình như nguyện vọng của Liên khi làm hồ sơ thi đại học là vào sư phạm mầm non.

Nguyên lúng túng:

- Em là Liên.

- Liên... hả em? - đầu dây bên kia ngập ngừng một lát rồi hào hứng - Nhận được thư thầy rồi hả, nhớ đến dự nghe. Mà... dạo này em khỏe không?

- Em khỏe. Còn thầy?

- Thầy vẫn thế, lúc nào cũng là thầy. Lúc nào không là thầy thì thầy sẽ không còn nữa.

Im lặng, thầy nói gì lạ vậy, Nguyên tính hỏi nhưng không dám, sợ nói nhiều lộ ra mình không phải là Liên, mà hẳn thầy sẽ không nhận ra tiếng Nguyên được.

Cúp máy rồi, Nguyên nghĩ mình nên về quê một chuyến. Mẹ đã theo Nguyên vào trong này, ngoài đó chỉ còn bà dì, từ ngày đi Nguyên chưa bao giờ về cả. Cũng bởi chẳng có gì lôi cuốn Nguyên về. Nguyên sẽ rủ mẹ cùng về, dù gì đó cũng là quê hương. Hẳn mẹ sẽ vui lắm, cũng vì câu “con đâu cha mẹ đó” mà mẹ đành lòng xa quê. Chưa bao giờ mẹ nói nhớ quê, mẹ không muốn Nguyên lo lắng. Làm sao mẹ vui nổi khi rời làng quê thanh bình của mình để đến sống ở một thành phố ồn ào ngày đêm, một thành phố không bao giờ biết ngủ.

Cả đêm Nguyên không sao rời khỏi ý nghĩ ấy, ý nghĩ chợt đến, thoảng qua nhưng làm Nguyên mất ngủ. Tại sao lại không nhỉ, một chuyến nghỉ phép năm, cũng có thể là một chuyến kết hợp công tác. Ngay ngày mai, mình phải lên kế hoạch cho chuyện này.

Quán cà phê mang tên Tầm Ma, cái tên hơi lạ, sặc mùi cổ tích. Quán đầy cây cỏ, gió hào phóng như ở chỗ không người. Hoa sao leo um tùm quanh những thân cột, khoe những bông hoa nhỏ xíu màu đỏ tươi, những đĩa nhạc hỏng được kết thành những cái chụp đèn khá lạ mắt. Nguyên tìm cái bàn tận trong góc, gọi một ly nước cam, vẫn không tin mình đã ở ngay quê mình. Ngay lúc ngồi lơ lửng bầu trời cô vẫn chưa tin mình đang trở về, vượt cả nghìn cây số chỉ để về dự một buổi họp lớp.

Thầy vào, Nguyên không chắc lắm người ấy có phải thầy không, theo sau là mấy người nữa, họ là bạn học của Nguyên, những người bạn cũ. Nguyên nhớ mặt tất cả nhưng không sao nhớ nổi tên họ.

Nguyên cố thu mình nhỏ hơn sau khóm trúc, thấy mọi người lăng xăng xếp bàn ghế dồn lại, chắc họ đến sớm để chuẩn bị cho buổi tối nay. Thầy mang ra một bó hoa, tự tay cắm. Trông tay nghề thầy không được điêu luyện lắm. Những cành hoa như nghiêng ngả khổ sở, thầy đánh vật với những cành hoa một lúc rồi cũng tạm ổn dù nó cực xấu. Nguyên thấy vui vui, những người con trai Nguyên biết chưa ai trong số họ biết cắm hoa, chỉ biết mang đến một bó hoặc một bông mua vội đâu đó ngoài đường như một bổn phận. Có ai ngồi loay hoay ngắm nghía sửa sang bình hoa do mình tự cắm như thầy. Lọ hoa đã xong, thầy để vào một góc, hai tay xoa vào nhau thỏa mãn, đúng khi ấy thầy nhìn thấy Nguyên. 
Có ai ngồi loay hoay ngắm nghía sửa sang bình hoa do mình tự cắm như thầy
Có ai ngồi loay hoay ngắm nghía sửa sang bình hoa do mình tự cắm như thầy
Minh họa: Thái Học Sinh

- Mười năm rồi...

Thầy chỉ nói có thế, câu nói lơ lửng giữa tầng không. Hẳn ý mà thầy muốn nói còn nhiều hơn. Nguyên im lặng. Nguyên muốn nói với thầy một điều gì đó, nhưng tốt hơn cho nó trôi qua.

Ngày ấy Nguyên còn quá trẻ, cả thầy nữa, thầy mới ra trường. Những lỗi lầm của tuổi trẻ cứ để nó trôi qua, có muốn giữ chăng là giữ cho mình những điều tốt đẹp. Thầy đứng dậy vào nhà, lát sau trở ra với một quyển truyện và một cái hộp nhỏ.

- Em mở ra đi.

Cái hộp màu đen, đã cũ lắm rồi, giống một cái hộp đựng đồ trang sức của những cụ già. Cũ kĩ nhưng vô cùng quý giá. Nguyên ngắm cái hộp, tự nghĩ một ngày nào đó mình sẽ dùng một cái hộp thế này, đựng trong nó tất cả những gì mình yêu quý. Tất nhiên có cả lá thư mời họp lớp của thầy.

- Em mở ra đi.

Trong hộp có một nhẫn vàng và một cây bút. Là cây bút, rất cũ, loại bút Kim Tinh mà ngày nay chẳng cô cậu học trò nào còn dùng.

- Em nhận ra nó chứ?

- Vâng.

Nguyên định nói thêm với giọng càng cay đắng càng tốt rằng “sao nó lại ở đây, không phải ngày xưa chính thầy đã khăng khăng rằng em đã lấy nó còn gì?” nhưng lại thôi.

Thầy nắm chặt bìa của quyển sách, môi mím lại:

- Em có biết vì sao tôi đứng ra tổ chức họp lớp không. Lần này là lần thứ mười, chỉ để tìm em thôi. Nhưng em đã không đến, tôi không biết vì sao. Tôi đã trách em rất nhiều, năm nào tôi cũng dò hỏi bạn bè về em nhưng không ai biết cả, các bạn có người cho tôi những địa chỉ, tôi đã viết thư nhưng không có một lời hồi âm. Tôi chưa thấy người nào như em, đi một lần là đi biệt.

- Nếu tìm thấy em, thầy sẽ làm gì?

- Để được nói một lời xin lỗi chân thành nhất. Tôi khi ấy còn quá trẻ, em cũng vậy, rắn mắt và bướng bỉnh. Tôi không sao quên được câu em đã nói “rồi thầy sẽ phải ân hận”. Em đã biết trước điều đó, phải không?

Trong một giờ sinh hoạt lớp, thầy đã khoe với cả lớp cây bút Kim Tinh cũ, quà tặng của cha, một người lính già, người mà thầy kính trọng và thương yêu nhất trên đời. Cây bút về với thầy trong mớ tư trang ít ỏi còn sót lại của cha. Nó đã chờ thầy lớn lên, cùng thầy trong cuộc hành trình đến với những con số, cái chữ. Chưa một ngày thầy xa rời nó, thế mà khi ấy thầy đã bỏ nó trên bàn Nguyên cùng với quyển truyện vì một lý do gì đó. Cây bút rất đẹp dù nó đã cũ. Khi ấy Nguyên cảm thấy thế, không phải vì hình dáng bên ngoài mà đẹp ở ý nghĩa nó đang mang.

Trong một phút không kìm được, Nguyên đã lấy cây bút nhét vào gáy quyển truyện và lúc vội vàng không sao lấy nó ra được. Đáng lý Nguyên đã nói với thầy nếu lúc trở lại thầy không nói vừa để cây bút ở đây, nhoáng một cái đã không thấy đâu. Đứa con gái là Nguyên khi ấy cảm thấy tự ái, thầy nói thế khác nào nói Nguyên lấy. Chỉ có kẻ trộm mới làm cây bút biến mất trong một nhoáng chứ. Thế là thay vì nói ra để mọi chuyện được rõ ràng, Nguyên cúi gằm mặt xuống, tránh ánh mắt như quan tòa kết tội của thầy. Có thể khi ấy thầy đã nghĩ Nguyên lấy. Nghĩ thì nghĩ thế nhưng không dám làm gì vì Nguyên là học trò nữ, thầy là thầy thì cũng hơn Nguyên có bốn năm tuổi chứ nhiều nhặn gì. Thái độ như thú tội của Nguyên khi ấy dễ làm thầy hiểu lầm lắm. Nguyên đẩy quyển truyện về chỗ thầy, lặng lẽ bỏ đi.

Hôm sau gặp, thầy lại hỏi Nguyên có lấy thì cho thầy xin lại, thầy cũng đã mua cho Nguyên một cây bút khác đắt tiền hơn như để trao đổi. Nguyên không nói gì, suýt nữa thì bật khóc, cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Những tháng ngày cuối cùng ấy Nguyên như không còn là Nguyên nữa. Bao ước mơ tưởng trong tầm tay bỗng phải bỏ dở, khi ấy Nguyên chỉ kịp nói một câu: “Rồi thầy sẽ ân hận” rồi bỏ chạy. Quả thật Nguyên cũng không nhớ chuyện này lâu, đã quên nó một hay hai năm sau đó, bây giờ gặp lại cây bút Nguyên mới nhớ chuyện cũ.

- Tôi đã lo lắng rất nhiều, tôi sợ em không vượt qua được, sẽ làm gì đó. Tôi cũng đã dõi theo em, chỉ mong em đừng làm gì dại dột, nhưng chỉ được một thời gian ngắn em biến mất không để lại gì. Về sau tôi tìm em để xin lỗi, để nói với em rằng tôi đã sai.

- Bao lâu sau đó thầy mới nhận ra điều đó?

- Gần một năm, chính xác là vào tháng Ba năm sau. Tôi đã cho một người bạn mượn quyển truyện đó. Khi chúng tôi chia tay nhau, cô ấy mang trả lại những kỷ vật, tôi thấy cả cây bút. Tôi hỏi mới biết và đã tổ chức họp lớp vào mùa Hè để mong gặp lại em.

- Chỉ vậy thôi?

- Tôi không hiểu vì sao, nhưng thật tình tôi luôn có cảm giác mình không còn thời gian, bài học đầu tiên tôi có từ khi bước chân vào đời chưa bao giờ xa rời tôi. Quả thật nó quá sâu, ý tôi nói là ấn tượng của nó, đến nỗi tôi không thể tập trung làm việc gì khác được.

- Nếu năm nay em cũng sẽ không đến?

- Tôi cũng nghĩ vậy, thì tôi vẫn sẽ đi tìm. Nhưng tôi tin em sẽ đến, tôi cũng nhận được tin em đang ở miền Nam, đã tìm được địa chỉ của em. Nếu em không về, tôi sẽ đi tìm em. Nhưng tôi có cảm giác mình cần phải đi tìm chứ không phải ngồi một chỗ chờ đợi như thời gian qua.

- Có cần thiết phải vậy không? Sao thầy tin em sẽ đến?

- Có phải em đã gọi cho tôi dưới cái tên Liên, cô bạn gái ngồi cạnh em thời trước?

- Vâng, sao thầy biết.

Có gì đó bay ngang mắt thầy như một áng mây bay qua bầu trời quang đãng. Thầy hít một hơi dài, bàn tay để trên bàn nắm chặt lại, những sợi gân nổi lên chằng chịt. Thầy bỗng già hẳn đi ở tuổi ngoài ba mươi.

- Liên mất rồi, em không biết sao?

- Liên?

- Liên mất hai năm rồi, bệnh tim. Cô ấy là đồng nghiệp của tôi, những khi rảnh Liên rất hay đến đây. Chính Liên là người đã cho tôi địa chỉ của em. Hôm Liên mất, tất cả chúng tôi đều có mặt, chỉ thiếu em. Liên có nhắn lại là Liên rất thương em và luôn mong em hạnh phúc. Liên tin em sẽ làm được, vì em rất cứng rắn và mạnh mẽ. Tôi đã cố công tìm em cũng vì cả lý do ấy nữa.

Nguyên rất muốn khóc mà không sao khóc được. Hóa ra những thành công cô ở đâu đó chỉ là ảo ảnh, Nguyên đã đánh mất mình giữa những bạn bè. Ba năm ngồi cạnh nhau, thế mà ra trường Nguyên đã đi biền biệt. Ngày trước Nguyên luôn trêu Liên là con mắm vì cô bạn gầy gò, hơi vận động đã kêu mệt, có lúc còn ngất xỉu, Nguyên đâu hay Liên bị bệnh tim. Cũng may, Liên đã đạt được mơ ước làm cô giáo của mình. So với ước mơ của bạn, tham vọng của Nguyên trở nên bé nhỏ và tầm thường biết bao.

Thầy vỗ vỗ tay thầy lên tay Nguyên như một người cha, một người anh bao dung. Nguyên vội rụt tay về. Nguyên không xứng đáng được an ủi chia sẻ, cô phải tự mình chịu đựng nỗi đau này. Bấy lâu cô đã sống quá vô tâm, thờ ơ, sống bằng những hào quang cô tự tạo ra. Vậy mà thầy và bạn bè vẫn luôn quan tâm cô. Cô đâu xứng đáng được như vậy?

Thầy đột nhiên đổi đề tài:

- Về đây, em ở đâu?

- Em với mẹ ở nhà nghỉ, em còn một bà dì nhưng nhà cũng chật, bọn trẻ lại đông.

- Nơi này sắp thành chốn quên trong em rồi.

- Năm sau thầy còn tổ chức họp lớp nữa không?

- Em chưa nói em đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Nguyên cười nhẹ, lảng tránh câu trả lời.

- Em phải đi đằng này một chút, lát nữa em sẽ đến.

- Em nghĩ tôi dễ dàng để em đi hay sao, biết đâu em lại trốn tôi một lần nữa. Em cần nhà trọ hay đến nhà dì, tôi sẽ chở đi. Đúng giờ, tôi sẽ đưa em về đây gặp mọi người, sẽ thông báo cho tất cả mọi người biết là tôi đã tìm thấy em. Tôi cũng muốn gặp mẹ một lần để chào hỏi.

Trong lòng Nguyên có một giọng nói thì thầm: “Làm ơn đừng gieo những hạt mầm hi vọng. Đừng để những hạt mầm bén rễ lớn thành cây, còn quá sớm cho tất cả”.

Nguyên đội mũ: - Em đi thăm gia đình Liên, thầy ạ.

- Tôi sẽ đưa em đi, Liên hẳn rất vui khi thấy chúng ta cùng đến. Cũng như tôi, Liên mong gặp được em biết bao.

Nguyên thấy tay mình nằm trong tay thầy từ lúc nào, chưa bao giờ Nguyên cảm thấy bình yên khi ở bên một người lạ như với thầy lúc này. Cả Bảo cũng không. Nguyên có cảm giác mình thật nhỏ bé, muốn được chở che và an ủi.

- Tôi nợ em, em thấy mình nợ Liên, Liên sẽ nợ một ai đó. Tất cả chúng ta đều nợ nhau, vừa trả xong đã lại nợ, nhờ những nợ nần đó mà chúng ta quen biết nhau, sống có trách nhiệm với mình và với nhau hơn...
cô phải tự mình chịu đựng nỗi đau này
cô phải tự mình chịu đựng nỗi đau này
Chiều đã xuôi về phía bên kia trời. Phải nhanh lên nếu Nguyên không muốn mình là người đến muộn. Còn chưa đầy một tiếng đồng hồ nữa Nguyên sẽ gặp lại bạn bè mình. Mọi người hẳn sẽ trách Nguyên, Nguyên sẽ nhận hết. Nguyên cần phải chuẩn bị cho tất cả, chuẩn bị cho sự bắt đầu.
Nguồn: yume

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét