Có thể mối chính là thủ phạm gây nên những hình tròn bí ẩn trên sa mạc Namib tại châu Phi, một hiện tượng khiến nhiều nhà khoa học bối rối trong thời gian qua.
Những hình tròn trên sa mạc Namib có thể tồn tại hàng chục năm. Ảnh: Norbert Juergens. |
Một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành PLoS ONE hôm 27/6/2012, cho hay, vô số hình tròn xuất hiện trên những đồng cỏ trên sa mạc Namib ở Namibia. Mặc dù những hình tròn xuất hiện giữa những đồng cỏ, song cỏ không tồn tại bên trong chúng. Những hình tròn nhỏ tồn tại trong thời gian trung bình 24 năm, trong khi những hình tròn lớn có thể tồn tại tới 75 năm. Người dân địa phương gọi chúng là “hình tròn thần tiên”. Mặc dù vậy, nghiên cứu không chỉ ra nguyên nhân khiến những hình tròn xuất hiện, tồn tại và biến mất sau hàng thập kỷ.
Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của những hình tròn – như hoạt động của kiến và mối. Tuy nhiên, không ai đưa ra bằng chứng xác đáng để chứng minh giả thuyết của họ.
Cận cảnh một hình tròn trong sa mạc Namib. Ảnh: Livescience |
Trong một bài báo trên tạp chí Science, nhà sinh học Norbert Juergens của Đại học Hamburg tại Đức cho rằng loài mối cát Psammotermesallocerus có thể là thủ phạm gây nên những “hình tròn thần tiên”.
“Cứ mỗi khi tới một hình tròn, tôi luôn nhìn thấy mối cát Psammotermesallocerus. Do cỏ không mọc bên trong những vòng tròn, nước mưa sẽ ngấm thẳng xuống đất xốp. Lượng nước đó đủ lớn để giúp mối tồn tại trong mùa khô”, Juergens nói.
Ngoài mối cát Psammotermesallocerus, Juergens còn tìm thấy một loài mối khác và hai loài kiến. Song chúng chỉ xuất hiện trong vài hình tròn, chứ không phải tất cả.
“Dường như những con mối đã ăn rễ cỏ khiến những cây cỏ biến mất và tạo nên hình tròn”, Juergens nhận định.
Tuy nhiên, Juergens chưa thể giải thích tại sao mối cát tạo ra hình tròn, chứ không phải hình vuông hay bất kỳ hình nào khác.
theo VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét