Người mang mảnh giấy tới bảo tôi: “Cái này là thật đó chị. Anh Minh nợ chú Tuấn năm trăm triệu và cam kết nếu không trả, thì sẽ bắt chị làm vợ chú Tuấn.
Với tôi, bây giờ cuộc sống còn tệ hơn cái chết. (Ảnh minh họa). |
Trời ơi, tôi đã thề sẽ không bao giờ nghe điện thoại của anh ta nữa rồi mà sao Minh vẫn không buông tha mẹ con tôi. Tháng trước, tôi đã phải vay của chị bạn trong cơ quan 50 triệu đồng để đưa cho Minh, anh đã hứa sẽ không làm phiền tôi nữa. Vậy mà chưa đầy một tháng, anh ta lại gọi điện đòi tiền. Thật sự, nhiều khi tôi chỉ muốn anh ta chết đi cho khuất mắt...
Hai mươi năm trước, khi tôi quen Minh thì anh đã là một đầu nậu sách nổi tiếng. Anh là một trong những người đầu tiên thực hiện việc “liên kết” với các nhà xuất bản để mua bán giấy phép; in ấn phát hành các loại sách báo, tạp chí, tiểu thuyết ăn khách một thời. Khi chúng tôi cưới nhau thì chẳng bao lâu đã có nhà cửa, xe cộ, đất đai… Với vốn liếng, tài sản đã có, tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình không có nhà cửa, không có tiền bạc, phải trốn chui, trốn nhủi…
Tôi không nhớ Minh sa vào bài bạc từ khi nào, chỉ biết cách nay 4 năm, một hôm, anh bạn làm ăn chung với Minh bảo tôi: “Em coi chừng thằng Minh, lúc này nó cá độ bóng đá dữ lắm, mới thua mấy tỉ...”. Tôi nghe mà muốn xỉu. Chồng tôi xưa nay hiền lành, chí thú làm ăn, có bao nhiêu tiền chỉ biết lo cho cha mẹ, vợ con, anh em. Sao bây giờ lại đổ đốn như vậy?
Tôi hỏi Minh thì anh chống chế: “Đâu mà tới mấy tỉ, chỉ có mấy chục triệu thôi... Anh chơi cho vui mà”. “Mấy chục triệu cũng không được. Có ai giàu nhờ cờ bạc đâu? Anh không nghe người ta nói cờ bạc là bác thằng bần sao?”- tôi sẵng giọng. “Thôi, đừng có lộn xộn, tiền tôi làm ra, tôi muốn xài cái gì là quyền của tôi…”.
Đúng là tiền của Minh thật bởi đồng lương kế toán trưởng nhà xuất bản của tôi làm sao mà có dư dả để sắm sửa nọ kia? Nhưng nếu tôi không tính toán, quan hệ, góp ý cho anh nên làm cái này, cái kia thì chắc gì anh đã làm được như vậy? Thế mà giờ đây, anh lại phủi bỏ tất cả…
Minh đã đẩy mẹ con tôi đến bước đường cùng. (Ảnh minh họa).
Từ hôm đó, cứ vài bữa, lại có người gọi điện cho tôi bảo là Minh thiếu nợ họ nhưng không trả. Những khoản tiền không lớn, chỉ vài chục triệu nhưng nhiều người cộng lại thì nó thành một món nợ khổng lồ. Đến nước này thì tôi không thể chịu nổi nữa. Tôi nói với Minh: “Anh hãy nói thật cho em biết là anh vay nợ để làm gì và hiện thời còn nợ tất cả bao nhiêu?”. “Đã bảo đừng có lộn xộn, nợ đâu mà nợ?”- Minh nạt tôi. “Anh không nói thật, em sẽ méc ba má”. Vừa nghe tôi nói vậy, Minh đã lồng lên: “Em mà nói cho ba má biết thì đừng có trách tôi”.
Rốt cục thì tôi không dám nói cho ba má chồng biết mà bất lực nhìn tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Bắt đầu là hai chiếc xe, mấy miếng đất bên quận 2, vòng vàng nữ trang của tôi và mấy đứa nhỏ… Và cuối cùng là ngôi nhà. “Đến nước này thì em không còn gì để nói với anh. Không ngờ một người khôn ngoan như anh lại có lúc tán gia bại sản vì cờ bạc như vậy…”.
Tôi yêu cầu anh ký vào đơn ly hôn nhưng anh nhất quyết từ chối: “Đúng là thói đời đen bạc. Sao hồi lúc tôi giàu có, cô không đòi ly dị?”- Minh giật tờ đơn trong tay tôi xé nát. “Vì lúc đó tôi không biết anh tác tệ như bây giờ”- tôi nghẹn lời.
Ngôi nhà đã bị bán, mẹ con tôi đành phải tìm nơi khác để tá túc. Tôi thuê một căn nhà nhỏ trong hẻm ở đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng chưa kịp dọn qua ở thì có người mang đến cho tôi tờ giấy viết tay được photo: “Nếu trong vòng 1 tuần lễ mà tôi không trả được nợ cho anh Tuấn thì vợ tôi sẽ trở thành vợ anh Tuấn. Ký tên: Nguyễn Minh”.
Tuấn là một người bạn làm ăn của Minh, anh ta đã tới nhà nhậu vài lần nên tôi nhớ rất rõ. Người mang mảnh giấy tới bảo tôi: “Cái này là thật đó chị. Anh Minh nợ chú Tuấn năm trăm triệu và cam kết nếu không trả, thì sẽ bắt chị làm vợ chú Tuấn để gán nợ”.
Đến nước này thì tôi phát điên lên rồi. Tôi gọi điện cho Minh. Anh ta tắt máy. Tôi gọi cho tất cả những ai quen biết của Minh, nhưng cũng không ai biết Minh đi đâu. Cuối cùng tôi gọi cho chính chủ nợ của chồng mình. “Thật tình tôi chỉ muốn chị thoát khỏi Minh nên ép hắn viết như vậy. Tiền của tôi không phải là giấy lộn nhưng tôi muốn làm cho hắn sáng mắt ra một lần mà bỏ cái thói ham mê cờ bạc”.
Năm trăm triệu, bình thường số tiền ấy đối với tôi và Minh không phải là quá lớn nhưng bây giờ nó có nguy cơ chôn vùi cuộc sống của mẹ con tôi xuống bùn đen.
Tôi quyết định về quê báo tin cho ba má, anh em chồng tôi biết mọi chuyện. Không ngờ điều tôi nói ra đã mang đến đại họa. Ba chồng tôi chịu không nổi cú sốc ấy nên đã lên cơn đau tim và qua đời ngay trong tối đó. Má chồng tôi cũng bị tai biến nằm một chỗ. Trong mắt gia đình chồng, phút chốc tôi thành tội đồ. Vì tôi mà ba má chồng người mất, người nằm một chỗ sống cũng như chết; còn chồng tôi không biết đi đâu, làm gì mà đám tang cha cũng không về…
Trở về Sài Gòn, tôi nhờ người tìm Minh khắp nơi nhưng anh vẫn bặt vô âm tín. Cho đến một tối nọ, tôi đang thiu thiu ngủ thì có điện thoại. Linh tính mách bảo tôi đó là Minh. Mà quả đúng như vậy. Anh cho biết mấy tháng qua đã trốn sang Kampuchia, giờ thấy tạm yên thì trở về. Minh hỏi tôi có tiền không, đưa cho anh vài chục triệu để lên Đăk Lăk làm cà phê với bạn. Thật tình là tôi còn một số nữ trang và sổ tiết kiệm nhưng tôi không biết có đúng là Minh lo làm ăn hay lại đàn đúm, cá độ? Tôi nghe người ta nói, dính vào đó rồi thì không dễ gì mà dứt ra được.
Tôi bảo Minh: “Em không có tiền”. “Thì em coi vay mượn ai đó đỡ dùm anh. Chừng 1 tháng là anh trả lại”- giọng Minh thật thiểu não. “Bây giờ anh ở đâu? Em phải biết anh ở đâu để đưa tiền chớ?”- tôi vặn vẹo. “Chừng nào có tiền, em gọi số này, anh sẽ hẹn chỗ lấy”. Minh nghe nói có tiền, vội nói nhanh rồi cúp máy.
Ba hôm sau, tôi bán sợi dây chuyền 5 chỉ được hơn 20 triệu và gọi cho Minh. Anh hẹn tôi lúc 7 giờ tối ở một quán “cà phê chuồng” tận trên Thủ Đức. Thú thật, thoạt trông thấy anh, tôi hết hồn. Trước mặt tôi không còn là người đàn ông cao ráo, lịch lãm của những ngày ăn nên làm ra. Giờ đây, Minh gầy xọp đi, râu ria tua tủa, mặt đen sạm… “Thôi, anh đi đây”- vừa cầm lấy tiền, Minh đã đứng dậy đi ngay.
Tôi không kịp hỏi Minh đi đâu, làm gì vào giờ này thì bóng anh đã mất hút. Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi ngồi lại một mình, uống cạn cả hai ly nước rồi mới về. Hai đứa nhỏ thấy mặt mẹ thì lấm lét: “Mẹ đi đâu mà tối vậy? Mẹ không nói làm tụi con lo quá chừng!”. “Mẹ mang tiền cho ba”. Tôi chỉ nói vậy rồi bỏ ra sau.
Từ hôm đó, cứ vài tháng Minh lại gọi điện khảo tiền. Có lần tôi kiên quyết bảo không có tiền thì anh gào lên:“Được rồi, tôi ra đường ray xe lửa nằm cho tàu cán nát bét cho cô hả dạ”. Trời ơi, anh ta khủng bố tinh thần tôi như thế thì làm sao mà sống nổi nữa đây? Tôi cũng gào lên: “Anh đi chết đi!”.
Nhưng Minh không chết mà mấy hôm sau lại gọi: “Nếu em không có tiền thì để hai đứa nhỏ cho anh nuôi. Ngày mai anh sẽ cho người tới trường đón tụi nó”. Đến nước này thì tôi cũng muốn đâm đầu vô đoàn tàu đang chạy sầm sập kia để giải thoát! Nhưng tôi nhìn hai đứa nhỏ. Chúng tôi muộn con, cưới nhau hơn 7 năm tôi mới sinh cháu đầu lòng, 5 năm sau sinh cháu thứ hai. Bây giờ đứa lớn 13, đứa nhỏ mới 8 tuổi. Chúng làm sao sống được với người cha bài bạc bê tha như Minh?
Vậy là tôi lại bán những món nữ trang cuối cùng. Bán hết nữ trang, tôi rút tiền tiết kiệm. Và giờ đây, tiền tiết kiệm cũng không còn. Tôi lại đi vay nợ… Nhưng ngay cả chuyện đó bây giờ cũng trở nên khó khăn vì nợ cũ chưa trả hết, ai dám cho mình vay tiếp?
Minh đã đẩy mẹ con tôi đến bước đường cùng. Tôi nhớ lại cuộc sống tù ngục những năm qua và thấy rõ một điều: Với tôi, bây giờ cuộc sống còn tệ hơn cái chết. Để được sống, tôi phải tìm con đường giải thoát cho mình.
Tôi đã quyết định. Và giờ đây, tôi bình thản chờ Minh gọi điện. Tôi sẽ nói cho anh ta biết những điều tôi đã suy nghĩ. Ít ra thì lần này tôi cũng là người chủ động, là người ngồi chờ cuộc gọi của Minh. Tôi chờ xem anh ta sẽ trả lời thế nào trước khi cùng các con tự giải thoát cho mình…
Theo: NLĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét