Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Cách cư xử khi đón nhận một lời phê bình

Bạn có thực sự biết cách phải hành xử khi một người khác góp ý cho những hành động của bạn?

Với hơn 7 tỉ cá thể khác nhau trên hành tinh này đi kèm với hơn 7 tỉ tính cách, lối sống, cách nghĩ khác biệt với nhau, thật khó lòng để mỗi một cá thể con người có thể làm vừa ý toàn bộ những cá thể còn lại. Nếu như chúng ta đơn giản chỉ là những cỗ máy với những nhiệm vụ khác nhau trong cùng một xã hội thì bạn có thể thoải mái sống và chỉ cần tuân theo những điều kiện nhất định như luật pháp để được phép tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta là sinh vật sống cao cấp với cái đầu biết suy nghĩ và trên hết là mối dây rằng buộc với mỗi cá thể. Trong cuộc sống, ngoài việc phải biết lựa chọn con đường cho phù hợp với luật pháp thì con người còn phải làm sao cho phù hợp với những cá thể khác.


Nếu trước đây vũ lực chính là công cụ hữu ích nhất để khiến cho kẻ khác phải thay đổi nhằm phù hợp với bản thân chúng ta thì ngày nay, khi xu thế của cuộc sống là chuyển từ đối đầu sang đối thoại, lời nói lại là thứ vũ khí sắc bén hơn cả. Mặc dù vậy, nếu như không thật sự cởi mở, biết lắng nghe thì ngay cả những góp ý đơn giản cũng có thể dẫn tới cãi vã, xô xát.




Trong một bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu cách để đưa ra những lời khuyên để người khác dễ tiếp thu nhất. Và trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu làm cách nào để đứng ở vị trí của người nhận lời góp ý. Làm cách nào để bạn đón nhận lời góp ý Like A Boss?

1. Điều khiển bản thân bạn

Chắc chắn chẳng ai muốn bị nhắc nhở, góp ý bởi những người xung quanh, dù cho người đó có gần gũi chúng ta đến mức nào đi chăng nữa. Khi đón nhận những lời phê bình, những góp ý, bạn chỉ có vài giây ngắn ngủi để não bộ hoạt động và ra lệnh cho cơ thể phản ứng theo. Hãy tận dụng khoảng thoảng gian ngắn này để giữ cho bản thân bạn bình tĩnh nhất có thể.




2. Hãy nghĩ đến những gì bạn nhận được

Những lời phê bình, nhắc nhở hay góp ý thường sẽ khiến cho bạn khó chịu. Khi cái tôi của bản thân bị đụng chạm, chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái, giận dữ và khiến chúng ta phản ứng một cách khá gay gắt. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến những gì bạn nhận được khi bị người khác khiển trách. Từ những góp ý của người khác, bạn có thể nâng cao các kỹ năng của mình, cải thiện các mối quan hệ,…




Sẽ thật khó để đón nhận những lời khuyên từ xung quanh, đặc biệt là khi lời khuyên này lại đến từ những người mà bạn không mấy kính trọng (Bạn bè, đồng nghiệp,…). Nhưng hãy luôn nhớ rằng những lời góp ý đúng đắn và chân thành nhất đôi khi đến từ những nguồn không chính thống.

3. Lắng nghe

Sau khi đã bình tĩnh và hiểu rõ những ích lợi có được từ những lời góp ý, hãy lắng nghe những gì mà người ngồi đối diện đang cố nói với bạn.




Khi nghe những gì người đối diện đang nói, đừng xen ngang, hãy để cho họ kết thúc bài “diễn văn”. Đến khi những lời góp ý này đã được xả ra hết, đừng trực tiếp bắt lỗi hay phân tích những điểm không hợp lý trong lời nói của họ (Ít nhất là đừng làm việc đó vào lúc này). Bạn hãy từ từ nhắc lại những điểm chính trong lời nói của người mới phê bình bạn. Bằng cách này, bạn sẽ làm rõ những điểm cần lưu ý trong lời phê bình cũng như giúp người đối diện có cơ hội rà soát lại những điểm sai trong lời nói của mình. Như vậy, cả đôi bên có thể hiểu rõ cũng như thống nhất với nhau về những điểm chính trong lời phê bình vừa được đưa ra.

4. “Cảm ơn”

Hãy tỏ ra lịch sự và biết nói 2 tiếng “Cảm ơn” với người vừa đưa ra phản hồi về bản thân bạn, dù sao đi nữa, như đã nói ở trên, chúng ta nhận được khá nhiều lợi ích từ những lời góp ý này. Tỏ ra trân trọng những lời phê bình không có nghĩa là bạn đồng ý mà đơn giản chỉ là bạn trân trọng sự quan tâm của họ với bạn và tỏ ra thực sự quan tâm đến những gì họ nói.




5. Phân tích và tìm giải pháp

Bằng những câu hỏi hoặc việc cung cấp thông tin cho người đối diện, bạn có thể phân tích kỹ hơn những gì mà người bạn của mình đang cố truyền đạt hoặc đôi khi những vấn đề được nêu ra chỉ là hiểu lầm và cũng thông qua những câu hỏi mà bạn có thể giải quyết ngay những hiểu lầm này. Thật sự rất khó để có thể thay đổi bản thân nhằm phù hợp với yêu cầu của một người khác (Đặc biệt là khi bạn không nhận ra thói xấu của bạn).




Một vài hướng mà bạn có thể sử dụng như:

- Tìm kiếm một ví dụ cụ thể về vấn đề được nêu ra. Ví dụ: “Xin lỗi. Nhưng bạn có thể cho tôi biết trong cuộc họp tôi đã tỏ ra mất bình tĩnh lúc nào?”.

- Cung cấp thông tin về những tình tiết mà người đang góp ý với bạn không biết đến để xóa bỏ sự hiểu lầm. Ví dụ: “Đúng là tôi đã cắt ngang lời thuyết trình của anh ta, nhưng sau cuộc họp tôi đã xin lỗi anh ấy rồi.”.

- Xác định xem đây có phải là vấn đề này có tồn tại trong thời gian dài hay không. Ví dụ: “Bạn đã bao giờ thấy tôi nổi nóng ở trong những cuộc họp khác chưa?”.

- Tìm kiếm giải pháp về vấn đề được nêu ra nhờ vào người vừa nêu vấn đề. Ví dụ: “Bạn có góp ý gì giúp tôi tránh trở nên nóng giận ko?”.

6. Cuối cùng

Một lần nữa, hãy cảm ơn người vừa phê bình bạn và xin chút thời gian để bạn có thể thay đổi được bản thân. Không chỉ dừng lại ở cuộc nói chuyện này, bạn còn có thể đi tìm thêm lời khuyên của bạn bè, người thân hay những đồng nghiệp xung quanh.




Đón nhận những lời phê bình là cách rất tốt để chúng ta hiểu rõ hơn về điểm yếu của bản thân. Không ai là hoàn hảo, do đó, nếu như bạn không chịu tiếp thu những lời góp ý từ xung quanh, bạn sẽ mãi dậm chân tại chỗ và không bao giờ có thể cải thiện bản thân. Luôn nhớ rằng những lời phê bình chân thành không dễ tiếp nhận nhưng cũng rất khó để một người nào đó xung quanh bạn lấy đủ dũng khí để gửi những lời này đến bạn. Hãy trân trọng những lời góp ý này, mặc dù chúng thật khó nghe nhưng chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều khi biết tiếp thu chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét