Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Mách bạn 'giật giải' thủ khoa 2013

Triệu học sinh lớp 12 đang mơ ước có được "tấm vé" đi tiếp trên con đường học vấn. Để "vượt vũ môn" hiệu quả và có thể chiếm lĩnh ngôi thủ khoa của các trường ĐH hãy tham khảo kinh nghiệm của các tân thủ khoa các khối A,B,C,D năm 2012. 
Vũ Hồng Ái (28 điểm, thủ khoa khối B, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội): "Cần định vị mục tiêu để phấn đấu..."
Mách bạn 'giật giải' thủ khoa 2013
Vũ Hồng Ái, thủ khoa khối B ĐHQG Hà Nội
Để làm tốt bài thi, trước hết cần nắm vững kiến thức SGK và sau đó làm nhiều bài tập để rèn luyện tính phản xạ và cách tư duy.

Đầu tiên người học nên nắm vững hết những kiến thức cơ bản rồi sau đó tiến hành luyện đề thi. Nếu như chưa nắm vững những kiến thức này thì chưa nên luyện đề vì như vậy sẽ dễ bỏ sót một vài dạng câu mà bản thân có thể hiểu và làm được.

Nên học vào những lúc tâm trạng thoải mái nhưng phải khép mình vào khuôn khổ. Ví như phải xác định mục tiêu một đêm, một ngày là giải được bao nhiêu bài, và phải theo dõi tiến trình học của cá nhân thông qua làm đề.

Mỗi lần làm đề thì mình sẽ chấm cho mình được bao nhiêu điểm. Nếu như thấy điểm cao thì không nên chủ quan, còn nếu điểm thấp thì phải lấy đó làm động lực để ôn luyện tiếp. Phải đặt ra mục tiêu của mình để phấn đấu...

Mỗi buổi tối chỉ nên học từ 3 – 4 tiếng. Khi học phải có tư duy mạch lạc rõ ràng và tránh viết tắt trong quá trình làm bài.

Bùi Ngọc Ánh (25 điểm, thủ khoa khối C, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): "Làm chủ thời gian là điều quan trọng"
Bùi Ngọc Ánh, thủ khoa khối C Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Bùi Ngọc Ánh, thủ khoa khối C Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Để làm tốt 3 môn Văn, Sử, Địa thì người học cần dựa và khả năng suy luận và phán đoán của bản thân.

Với môn Văn thì nên đọc tác phẩm trước để tự rút ra những nhận định riêng về tác phẩm. Sau đó, sẽ kết hợp với những kiến thức của thầy cô giáo dạy trên lớp để xem ý nào quan trọng cần ghi nhớ. Khi làm bài, người học có thể phân tích theo các ý này theo cảm nhận của bản thân.

Môn Sử không nên học ôm đồm mà chỉ nên gạch ra những sự kiện quan trọng bằng cách vẽ sơ đồ mốc thời gian; chia ra mốc nào quan trọng cần nhớ. Từ những mốc cần nhớ đó sẽ nhớ những mốc liên quan.

Môn Địa cần vẽ các sơ đồ hình cây để nhớ các ý lớn và ý nhỏ.

Khi làm bài mỗi người nên căn chỉnh thời gian làm phù hợp đối với từng câu. Tùy vào số lượng và số điểm của câu mà các sĩ tử nên phân chia thời gian phù hợp để làm. Ví dụ, câu 4 điểm thì nên làm từ 40 – 50 phút, còn câu 2 điểm thì chỉ nên làm trong vòng 20 – 30 phút là hợp lí.

Lê Thành Đạt (28.5 điểm khối A, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): "Giữ bình tĩnh khi làm bài thi"
Lê Thành Đạt (trái), thủ khoa khối A Đại học Sư phạm Hà Nội
Lê Thành Đạt (trái), thủ khoa khối A Đại học Sư phạm Hà Nội
Để học tốt 3 môn thi khối A thì người học phải thật chăm chỉ và tập trung. Đạt cho rằng điều đầu tiên muốn học tốt những môn này thì trên lớp phải tập trung nghe giảng và làm bài tập đầy đủ. Về nhà nên đọc lại bài giảng và chuẩn bị bài trước khi đến lớp, đánh dấu chỗ khó, chỗ không hiểu để hỏi thầy, hỏi bạn.

Đồng thời, nên quan tâm đến cách trình bày bài giải và nên rèn luyện qua các kì thi thử để tránh mất điểm do các lỗi đáng tiếc. Những dạng bài nào khó thì nên luyện làm nhiều bài để quen dần với phương pháp giải.

Với môn Toán, thì câu nào dễ thì làm trước, nếu gặp câu hỏi mà nghĩ qua chưa thấy hướng thì lập tức nên chuyển sang làm câu khác. Khi làm bài cố gắng giữ bình tĩnh để nhìn nhận cho đúng dạng của bài. Đồng thời cũng phải bình tĩnh để trình bày thật logic, chặt chẽ và chú ý các yếu tố phụ như điều kiện xác định, thử lại nghiệm, các phép biến đổi,…để soát lỗi.

Còn hai môn Lý và Hóa, theo Đạt, nên làm tuần tự theo các câu. Câu nào đọc qua mà chưa thấy được đáp án thì phải quay sang làm câu tiếp theo. Sau đó mới quay trở lại làm những câu còn bỏ dở.

“Một điều rất quan trọng nữa là các sĩ tử nên rèn luyện kĩ năng bấm máy tính thật tốt. Làm xong một lượt nên bấm lại lượt nữa để cho chắc chắn, cũng như phát hiện các mẹo trong câu hỏi để tránh bị lừa. Khi làm bài luôn giữ đầu óc thật tập trung, không bị sao lãng...”

Đặng Quang Huy (28 điểm khối D1, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội): "Để không bị mất điểm lỗi nhỏ"
Đặng Quang Huy, thủ khoa khối D1 Đại học Ngoại thương (Hà Nội)
Đặng Quang Huy, thủ khoa khối D1 Đại học Ngoại thương (Hà Nội)
Từng đạt điểm tuyệt đối môn Toán, theo Huy với môn này nên chia thành từng phần ra và luyện bài kĩ từng phần một; vừa học vừa kết hợp với việc làm từng phần của đề ĐH. Điều này giúp cho việc học kiến thức thêm sâu mà không dễ bị quên.

Khi đi thi, mỗi sĩ tử nên tỉ mỉ đến từng chi tiết trong bài làm của mình để không bị trừ điểm ở những lỗi sai nhỏ nhất

Với môn Văn - cách học tốt nhất là chia một bài ra có bao nhiêu ý lớn bao nhiêu ý nhỏ, theo từng câu mà tự tổ chức thứ tự của từng ý một. 

Phải nắm được kĩ năng phân tích đề, trọng tâm của đề là ở chỗ nào, thì phải xoáy vào chỗ đấy. Trước khi đặt bút làm bài thì nên tổ chức ý của câu trong đầu, rồi viết ra giấy nháp để khi viết sẽ không bị lan man và lạc đề.

Riêng tiếng Anh là một môn có vốn từ rộng thì cần luyện tập nhiều dạng đề để cải thiện ngữ pháp và tăng vốn từ. Để nhớ từ nên đọc đi đọc lại nhiều lần và cố gắng sử dụng nhiều trong đời sống hằng ngày. Ví như giao tiếp giữa những người học tiếng Anh với nhau, hoặc tự luyện tập thông qua việc tự trả lời các câu hỏi...

Ôn thi ĐH thì phải chăm chỉ, thứ hai nữa là phải say mê, mình không yêu nó thì chắc chắn mình không thể học được.

Bên cạnh đó, cần giữ sức khỏe trong mùa thi, không nên để đầu óc quá căng thẳng. Nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lí bằng cách tập thể dục, chơi thể thao...
Bùi Thủy - Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét