Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Niềm tin ơi, quay về đi!

Niềm tin và sự nghi ngờ là hai điều luôn có trong trái tim của mỗi con người. Hai điều ấy cũng có lúc thịnh lúc suy, chỉ có điều quy luật thịnh suy của chúng luôn trái ngược nhau.
Niềm tin ơi, quay về đi!
Niềm tin ơi, quay về đi!
Không hiểu lỗi ở khâu nào mà niềm tin trong xã hội lung lay đến thế? Có lẽ dùng từ lung lay vẫn còn nhẹ mà cần phải dùng từ mất niềm tin mới đúng bản chất. Đụng đến lĩnh vực nào, sờ đến câu chuyện nào cũng thấy đầy nghi ngờ. Trên báo chí thông tin rằng các bộ chưa cho tăng giá xăng dầu thì mấy ngày sau xăng dầu tăng; Người có chức sắc nói nếu có tiền thì sẽ đầu tư chứng khoán thì nay thị trường đang đỏ các bảng mã; Bộ Giáo dục nói dẹp nạn dạy thêm thì việc dạy thêm càng công khai hơn; Cấm bác sĩ cầm phong bì của bệnh nhân thì hiện tượng này càng phổ biến.

Đến cả trong tình yêu mà đôi khi cũng phải nói ngược, bởi nếu nói "anh chưa có gia đình" thì cô gái lại nghĩ chắc đối tượng đã có gia đình rồi mà còn định lừa mình. Ngay cả khi bạn nói: “Anh yêu em” thì cô bạn gái vẫn cứ nhìn chăm chăm vào mặt bạn như dò hỏi: “Anh có nói thật không”? Hoặc buông một câu thẳng tưng: “Nói dối”.

Người đi chợ không biết tin vào cái gì nữa, thôi thì cứ mua đại đi rồi về nhà làm đủ mọi cách như ngâm thực phẩm vào nước muối. Rửa đi rửa lại nhiều lần, thậm chí luộc qua bằng nước sôi hay cao cấp hơn thì mua máy ozon về sục để tự trấn an mình rằng như thế có thể đỡ ngộ độc hơn. Ra đường thấy người bị tai nạn mà không dám giúp vì sợ bị họ mắng (bởi họ muốn giữ nguyên hiện trường) và nay thì còn "sợ nó cho bùa mê thuốc lú".

Có anh bạn là giáo viên ngành xã hội bảo con rằng: "Con ước một điều gì đi, điều đó sẽ đến trong tương lai và ở ngay chân trời phía trước". Thế nhưng bạn tôi quên mất rằng chân trời là nơi mà ta càng đi đến đó thì nó càng xa ra. Thế thì tin sao được? Còn nhiều, rất nhiều sự việc nữa trong tất cả các lĩnh vực của đời sống hiện tại để nói về sự nghi ngờ - hay nói cách khác là thiếu hoặc mất niềm tin. Vậy niềm tin đi đâu mất rồi? Ngươi trốn ở nơi nao?

Tôi từng cất công đi tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi: Tại sao niềm tin lại đi trốn? Nó trốn ở đâu? Tôi lần đọc một số tác phẩm của các nhà văn, đọc trên mạng và tìm hiểu qua bạn bè rồi tự kết luận: Niềm tin và sự nghi nghi ngờ là hai điều luôn có trong trái tim của mỗi con người. Hai điều ấy cũng có lúc thịnh, lúc suy, chỉ có điều quy luật thịnh suy của chúng luôn trái ngược nhau.

Có nghĩa là lúc niềm tin thịnh thì nghi ngờ suy và ngược lại. Khi điều nào thịnh thì nó thường trực ở trong tâm của mỗi người, còn khi suy nó sẽ trốn sâu trong tiềm thức để chờ thời bật dậy. Nguyên nhân tác động vào quy luật thịnh suy của niềm tin và sự nghi ngờ là ngoại cảnh xã hội, trong đó sự giáo dục của nhà trường và gia đình cùng môi trường sống sẽ trực tiếp làm cho niềm tin hay sự nghi ngờ trỗi dậy.

Năm xưa, khi đất nước còn chiến tranh, người lính ra mặt trận đối diện với cái chết, ấy vậy mà gia đình, người thân vẫn tin rằng anh ấy sẽ về. Cuộc sống tuy vất vả, đói kém nhưng người với người thật thân thiện, sẵng sàng giúp đỡ nhau ngay cả nơi bến tàu, bến xe hay khi qua đường lỡ bước. Niềm tin giữa người với người khi ấy lớn lắm, lớn đến nỗi cái xấu trong xã hội phải run sợ và kẻ xấu luôn chỉ là thiểu số. Niềm tin làm cho mọi quan hệ trong xã hội trong sáng và đẹp đẽ hơn. Họ sống vì nhau và có trách nhiệm, sẵn sàng xả thân vì lẽ phải. Văn hóa trong giao tiếp toát lên sự thanh lịch, dịu dàng.

Tôi tự hỏi khi xưa cuộc sống khốn khó hơn bây giờ sao niềm tin lại lớn thế? Phải chăng do bây giờ đầy đủ hơn nên con người ta bon chen nhiều thì niềm tin mất dần và nghi nghờ trỗi dậy? Có người nói nguyên nhân là do nền kinh tế thị trường nhưng tôi không tin. Tôi không có ý ca ngợi hay tô vẽ vì ở đâu cũng có cái xấu cái tốt, nhưng có điều cái nào chiếm đa số mà thôi: Khi đến các nước phương tây, nền kinh tế thị trường thống trị, chắc chắn bạn sẽ nghe được nhiều từ cảm ơn hay xin lỗi nhiều hơn ở nước ta bây giờ. Dù có cảnh sát hay không, người tham gia giao thông vẫn tự giác dừng lại trước đèn đỏ mặc dù quanh anh ta chẳng có chiếc xe nào.

Họ nghe ta nói chuyện, trình bày và tin đó là sự thật. Họ tự hào về tổ quốc và rất trân trọng khi quốc ca vang lên. Ở ta nhiều người nghe quốc ca thì coi đó chỉ như một bài hát mà dửng dưng không thèm để ý. Tôi đã viết về hình ảnh một bà, chắc là vợ đại gia, môi son má phấn, lái xe hơi trên phố nhưng mở kính xe ném toẹt gói rác ra đường và một cô bé ngồi sau xe máy của một người đi đường cứ đòi mẹ chở lại gần thùng rác để bỏ giấy kẹo vào đó. Hình ảnh tuy trái ngược nhưng tôi nghĩ người mẹ đi xe máy kia cùng cô con gái vì có niềm tin rằng làm như thế đường phố mới sạch được, xã hội sẽ văn minh hơn lên. Niềm tin của cô bé lớn hơn rất nhiều người phụ nữ đi xe hơi nói trên phải không các bạn?

Người tương tự như cô bé kia đang là thiểu số. Nếu tôi, bạn và mọi người cùng học cô bé kia, cùng tin việc làm của cô bé đó là đúng rồi cùng làm như vậy thì xã hội này sẽ đẹp lên thêm, khi đó điều thiểu số này sẽ thành đa số. Sự nghi ngờ đang thịnh, niềm tin vẫn đang đi trốn, chúng ta hãy cùng đồng thanh gọi: "Niềm tin ơi. Về đi!".
Nguồn: vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét